Linh thiêng nghi lễ tắm Phật bằng trà xanh Nhật Bản
Cũng giống như các quốc gia châu Á, đạo Phật là một trong những tôn giáo được coi trọng tại Nhật Bản đã qua nhiều thế kỷ. Người Nhật Bản cũng tổ chức đại lễ Phật Đản, tuy nhiên không phải vào ngày 8 tháng 4 âm lịch hay ngày rằm tháng 4 âm lịch mà lại là ngày 8.4 dương lịch.
Lễ Phật Đản Nhật Bản được gọi là Hana Matsuri, nghĩa là ngày lễ hoa. Sở dĩ có cái tên này vì ngày Phật Đản trùng vào lúc hoa anh đào cũng như nhiều loài hoa xuân khác nở rộ khắp nơi.
Thông thường, đại lễ Phật Đản thường được tổ chức tại các ngôi chùa lớn như Gokokuji hay Kannon… Các Phật tử nữ mặc trang phục kimono đủ sắc, trẻ con cũng trong những trang phục rất rực rỡ đứng trước điện Phật.
Trong sân chùa, du khách dễ dàng thấy đập vào mắt bức tượng voi trắng lớn từ giấy bồi. Tương truyền, thân mẫu của đức Phật trước khi thụ thai thái tử Siddhartha, tiền thân của đức Phật, đã mơ thấy voi trắng sáu ngà đâm vào hông phải.
Tượng voi trắng hết sức linh thiêng trong chùa.
Bên cạnh tượng voi trắng là một tháp nhỏ được kết đầy những loại hoa tươi tắn, gọi là Hana-Mido. Phía bên trong tháp là tượng Phật nhỏ. Bức tượng miêu tả trạng thái đức Phật khi ra đời, bước đi bảy bước, mỗi bước lại có một đóa sen ôm lấy chân. Đức Phật chỉ một tay lên trời, một tay xuống đất và tuyên bố rằng: “Thiên thượng địa hạ, duy ngã độc tôn” (Trên trời dưới đất chỉ có ta là cao quý hơn cả).
Bức tượng này thường bằng đồng đen, đặt trong một bát nước chứa đầy trà ngọt và một chiếc gáo gỗ. Trong suốt ngày lễ Phật đản, Phật từ sẽ múc trà ngọt bằng gáo và tắm cho tượng Phật.
Phật tử múc trà ngọt bằng gáo và tắm cho tượng phật.
Tương truyền, khi đức Phật vừa sinh ra, đã có các long thần trên trời phun nước tắm rửa cho ngài.
Loại trà này làm từ lá cây tử dương hoa, trồng ở miền núi. Trước đó, người Nhật còn dùng cả nước hoa để tắm tượng Phật. Nước trà ngọt sau khi tắm phật xong được mang về nhà để cầu nguyện cho gia đình sự an lành.
Lễ hội có màn diễu hành khá đặc sặc với sự tham gia của các vị sư trong chùa, các Phật tử, và bắt mắt nhất vẫn là các em nhỏ trong trang phục kimono, tay cầm hoa tươi. Các em hát những bài ca Phật giáo và lễ hội kết thúc trong tiếng trống vang rền.
Kendama là một loại đồ chơi đã được phổ biến tại Nhật Bản với cả trẻ em và người lớn. Khi mới nhìn kendama lần đầu tiên ai cũng nghĩ đây là một trò chơi đơn giản nhưng thực ra kendama là một trò chơi với hơn 1.000 kỹ thuật khác nhau và người chơi phải làm chủ được nó.
Đây là trò chơi được chơi ở bất cứ nơi nào và bởi bất cứ ai, cả nam giới và và nữ giới, trẻ em và người già. Trò chơi này được cho là hữu ích trong việc tập trung và kiên trì.
Ngày này, đồ chơi truyền thống này không chỉ là trò chơi giải trí mà nó còn là một môn thể thao cạnh tranh với các cuộc thi đấu diễn ra trên khắp Nhật Bản.
Lịch sử kendama
Kendama ngày nay được làm từ một cây gậy với một điểm ở một đầu và một quả bóng với một lỗ nhỏ ở một đầu. Các điểm đầu ở hai bên của thanh được gọi là ly lớn và ly nhỏ. Trò chơi này về cơ bản là chơi bằng cách ném bóng và cố gắng để nó quay trở về vị trí ban đầu. Mặc dù nghe có vẻ đơn giản nhưng để chơi được nó cần phải có những kỹ thuật nhất định.
Nhiều người nghĩ rằng kendama được phát minh tại Nhật Bản nhưng điều này chưa phải là đúng. Trong khi có nhiều giả thuyết khác chỉ ra rằng kendama bắt nguồn ở Pháp vào thế kỷ thứ 16. Ngoài ra còn có một số ý kiến cho rằng trò chơi này được phát triển ở Hy Lạp hay Trung Quốc.
Kendama được tin là đã đến Nhật Bản thông qua con đường tơ lụa trong thời kỳ Edo (1603-1868) vào Nagasaki, Nhật Bản, thành phố duy nhất mở cửa đối với thương mại nước ngoài vào thời điểm đó. Vào thời điểm đó, kendama dường như là một trò chơi của người lớn. Nếu người chơi thực hiện sai sẽ buộc phải uống nhiều đồ hơn.
Khi Nhật Bản bước vào thời kỳ Minh Trị (1868-1912), Bộ Giáo dục đã giới thiệu kendama cho các học sinh và trò chơi này dần dần bắt đầu trong giới trẻ. Năm 1919, trong thời kỳ Taisho (1912-1926), tiền thân của kendama ngày nay đã được bán. Nó được gọi là Nichigetsu Ball (bóng mặt trăng mặt trời), bởi vì quả bóng trông giống như mặt trời, trong khi hình dạng của ly nhỏ giống như một mặt trăng lưỡi liềm.
Sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc vào năm 1945, kendama được bán trong các cửa hàng bán kẹo cùng với các đồ chơi phổ biến khác như menko, bidama và beigoma. Năm 1975, Hiệp hội Kendama Nhật Bản được thành lập với các quy tắc để người chơi cùng chơi theo một cách nhất định.
Với một tập hợp các quy tắc và thông số kỹ thuật cho các thiết bị tại chỗ, kendama bắt đầu phát triển phổ biến như là một môn thể thao cạnh tranh. Ngoài giải thưởng của Bộ trưởng Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ được trao cho người chiến thắng của một cuộc thi kendama cho học sinh tiểu học, có những giải thi đấu cho cả sinh viên và người lớn được tổ chức trên khắp đất nước.
Hiệp hội Kendama Nhật Bản hy vọng rằng kendama sẽ trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới và các thành viên trong hội đang nỗ lực thúc đẩy trao đổi quốc tế.
Người ta nói rằng Nhật Bản là nước sản xuất nhiều nhất số lượng các loại khác nhau của kendama. Có phiên bản thủ công bằng tay như “kendama bóng chày” được làm theo hình dạng của gậy đánh bóng chay và “kendama kinh dị” có một khuôn mặt đáng sợ vẽ trên quả bóng. Một phiên bản kỹ thuật số của kendama được làm từ nhựa trong suốt và có chứa vi mạch chip đã được bán vào năm 1998. Sản phẩm này được gọi là Digi-ke
Ohajiki asobi – trò chơi với những viên thủy tinh màu sặc sỡ
Ohajiki asobi là trò chơi dành cho trẻ em Nhật Bản và thường được coi là trò chơi của con gái. Tên của Ohajiki bắt nguồn từ nghĩa của từ “búng” (trong tiếng Nhật là “hajiku”) và “những miếng thủy tinh hình cầu dẹt” (Ohajiki) – đường kính khoảng 1,2cm.
Ohajiki asobi là trò chơi dành cho trẻ em Nhật Bản và thường được coi là trò chơi của con gái. Tên của Ohajiki bắt nguồn từ nghĩa của từ “búng” (trong tiếng Nhật là “hajiku”) và “những miếng thủy tinh hình cầu dẹt” (Ohajiki) – đường kính khoảng 1,2cm.
Ohajiki hình thành từ thời kì Nara (710-794) và có nguồn gốc từ Trung Quốc. Ngày đó người ta chơi Ohajiki bằng các viên đá sỏi hoặc đá cuội nhỏ; đôi khi là lấy những mẩu nhỏ từ các trò chơi khác. Và khi đó trò chơi này được gọi là “Ishi-hajiki” (nghĩa là: “búng đá”). Nó từng là thú vui chính của tầng lớp quý tộc trong cung điện. Đến thời Edo thì Ohajiki trở thành trò chơi chủ yếu được chơi bởi con gái. Cho tới thời Meiji, những viên cầu dẹt bằng thủy tinh xuất hiện.
Ohajiki thường được đựng trong những chiếc túi lưới. Một túi nhỏ có khoảng 40 viên Ohajiki các màu và giá là 330 yên.
★ Chơi Ohajiki gần giống với cách chơi bắn bi của trẻ con Việt Nam.
- Đầu tiên, là mỗi người chơi sẽ bỏ ra một số lượng Ohajiki bằng nhau rồi rải chúng lên một mặt phẳng như sàn nhà, chiếu Nhật hoặc thậm chí là mặt bàn.
- Bước thứ 2, những người chơi sẽ quyết định thứ tự chơi bằng cách oẳn tù tì
- Bước thứ 3, người chơi sẽ phải chọn 2 viên Ohajiki và phải dùng tay vẽ một đường tưởng tượng để mọi người cùng biết người chơi sẽ búng viên này vào viên kia như thế nào trước khi chơi.
- Bước thứ 4, Nếu người chơi búng viên Ohajiki đúng như đã định thì sẽ được lấy viên đó. Còn không thì sẽ đến lượt người chơi tiếp theo.
Cuối cùng thì người có nhiều Ohajiki nhất là người thắng cuộc.
Ohajiki hấp dẫn tới mức cả người lớn cũng thích chơi
Người Nhật rưng rưng tưởng niệm 3 năm thảm họa kép
Hai mẹ con người Nhật thắp nến tưởng niệm thảm họa kép 2011, tranh vẽ cầu nguyện máy bay bị mất tích... là những khoảnh khắc đáng chú ý 24h qua.
Một ngày cho đến kỷ niệm 3 năm sau thảm họa động đất, sóng thần kinh hoàng ở Nhật Bản vào 11/3/2011. Azusa Sato, 6 tuổi, cùng mẹ, cô Miho, 32 tuổi, thắp đèn lồng trong buổi lễ tưởng niệm được tổ chức hằng năm. 3 năm trôi qua, ám ảnh về thảm họa cướp đi chục nghìn sinh mạng vẫn còn vẹn nguyên trong trâm trí người Nhật. Ảnh: EPA.
Nhiều người biết đến Nhật Bản bởi loài hoa Anh đào nổi tiếng thế giới. Cũng có người biết đến đất nước này bởi cái tên "Đất nước mặt trời mọc". Nhưng hiếm ai không biết tới núi Phú Sĩ như một biểu tượng thiêng liêng mang linh hồn và văn hóa của dân tộc này.
Núi Fuji gọi theo âm Hán Việt là núi Phú Sĩ, thuộc tỉnh Shizuoka, cách Tokyo không đầy 100km về phía Tây Nam. Phú Sĩ là ngọn núi lửa cao nhất Nhật Bản (3776m) với hình chóp nón trông rất hùng vĩ. Người ta nói rằng, tên của ngọn núi này bắt nguồn từ động từ thổi bật ra" (fuchi) trong ngôn ngữ của người Ainu. Núi Phú Sĩ đã phun trào ít nhất 10 lần kể từ thế kỷ 18. Cho đến nay gần 300 năm đã trôi qua kể từ lần phun trào gần nhất của nó vào năm 1707. Tro bụi, dung nham tung lên hàng trăm km, che phủ cả Tokyo, đồng thời tạo cho ngọn núi này cái đỉnh chóp tuyệt vời như ngày nay. Diện tích của núi vào khoảng 90.76km2.
Lòng chảo phía trong là dấu tích của miệng núi lửa rộng khoảng 500m, sâu 200m. Hiện nay, Phú Sĩ là ngọn núi lửa đã chết, nhưng gần đây vẫn có tin đồn rằng nó có khả năng hoạt động trở lại.
Với người dân Nhật núi Phú Sĩ trở thành "ngọn núi thiêng", "ngọn núi thần" che chở cho nước Nhật, đem đến sự tốt lành, may mắn: thứ nhất Fuji, thứ nhì Naka, thứ ba Nasu. Có nghĩa là, vào đêm mùng một Tết, may mắn nhất là những ngưòi nằm mơ thấy núi Phú Sĩ, thứ nhì là chim ưng,thứ ba là cà tím. Nhiều người sùng bái núi Phú Sĩ đã thành lập một tổ chức tín ngưỡng ngọn núi này gọi là Fuiiko. Việc trèo lên ngọn núi được coi là công việc thiêng liêng mà ai cũng cố gắng được làm một lần trong đời. Những người leo núi thường bắt đầu cuộc hành trình từ buổi chiều, xuyên qua đêm để rồi sáng hôm sau được ngắm nhìn cảnh mặt trời mọc ở trên núi. Từng đoàn người nối đuôi nhau trong màn đêm, ánh đèn pin rực rỡ tiến thẳng lên đỉnh núi, tưởng chừng như một con rồng khổng lồ đang cuộn mình.
Lên đỉnh có 5 đường chính: Kawaguchiko, Subashiri, Fujinomiya, Fuji-Yoshida và Gotemba. Trong khi đi lên đỉnh mất từ 5 đến 9 tiếng thì khi xuống chỉ mất 3 tiếng. Thời tiết có lúc khắc nghiệt, con đường dài khó khăn, hiểm trở, song bước chân tìm về nguồn cội không lúc nào ngơi nghỉ. "Nhật Bản không có núi Phú Sĩ, tựa như nước Mỹ không có "Nữ Thần Tự Do"-người Nhật Bản nói trong niềm tự hào, phấn khởi.
Ngày nay, khí hậu quanh vùng núi rất ổn định. 5 cái hồ lớn ở đây lại càng làm cho cảnh quan ngoạn mục hơn. Hàng năm, núi Phú Sĩ được mở cửa trong vòng hai tháng. Từ ngày 1 tháng 7 người ta làm lễ mở cửa ở núi Gogome thuộc cửa Yoshida. Ngày 31 tháng 8 mọi hoạt động chính thức kết thúc, nhưng trước đó vào ngày 26, 27 lễ đốt la đóng cửa núi đã được tiến hành. Ðây là thời gian có khí hậu lí tưởng nhất ở núi Phú Sĩ. Trên đỉnh núi gió nhẹ, nhiệt độ từ 5oc đến 6oc. MặC dù thời gian mở cửa không nhiều, song hàng năm cũng vẫn lôi cuốn khoảng 25 triệu người Nhật Bản và khách nước ngoài đến tham quan, du lịch ở đây.
Nhân dịp kỉ niệm 30 năm ra đời series Gundam huyền thoại, ngày 11/3/2009, dự án Real-G của Sunrise nhằm xây dựng mô hình Gundam kích thước thật (tỉ lệ 1/1) được công bố. Bản Gundam mẫu mang tên RX-78, được giới thiệu vào năm 1979 trong series Mobile Suit Gundam đầu tiên.
Bức tượng cao 18 mét và được hoàn thành vào 9/6/2009. Xuất hiện lần đầu tiên ở Odaiba, Tokyo. Ước tính cho đến khi buổi triển lãm đóng cửa vào 31/8/2009 đã có hơn 4 triệu lượt người tham quan. Sau đó bức tượng Gundam được dời về tỉnh Shizuoka và nằm tại đây từ tháng 7/2010 đến tháng 3/2011. 19/4/2012, bức tượng được mở cửa tham quan trở lại tại Tokyo.
Gundam ra đời đã trở thành một trong những biểu tượng anime thành công rực rỡ nhất Nhật bản và trên thế giới, và là một tượng đài cho các anime mecha sau này. 23/10/2010, Gundam RX-78 đã được công nhận là biểu tượng văn hóa quốc gia của Nhật Bản khi mà mẫu tem về Gundam RX-78 và phi công của nó được phát hành.
Bánh Đại Phúc (tiếng Nhật:Daifukumochi- 大福餅), hoặc (tiếng Nhật: Daifuku- 大福) là một loại bánh ngọt wagashi của Nhật Bản gồm có viên nếp mochi tròn nhỏ với nhân ngọt, thường là đậu đỏ ngọt xay nhuyễn (tiếng Nhật: anko).
Bánh Đại Phúc có nhiều loại. Loại phổ biến nhất là viên mochi màu trắng (hoặc xanh lá nhạt, hoặc hồng phớt) với nhân anko. Có hai cỡ: một loại có đường kính bằng một nửa đồng xu 1 đô la, loại kia to bằng nắm tay. Vài loại Daifuku có thêm các miếng trái cây, các hỗn hợp trái cây và anko hoặc dưa xay (dưa gang...). Hầu như tất cả các loại bánh Đại Phúc đều được bọc bởi một lớp bột bắp hoặc bột khoai tây mịn để chúng không dính vào nhau và vào tay người làm. Một vài loại được bao bằng đường bột (tiếng Anh: icing sugar) hoặc bột cacao. Mặc dù bánh Đại Phúc được thực hiện thông qua nghi lễ giã bánh tên là mochitsuki, nhưng người ta cũng có thể làm chúng đơn giản bằng cách nấu trong lò vi sóng.Mochi và Daifuku rất phổ biến ở Nhật Bản.
★ Daifuku lúc đầu được gọi là "Harabuto mochi" (腹太餅- phúc thái bính, từ "腹" vừa có nghĩa là "bụng" vừa có nghĩa là "bọc (nhân)", từ "thái" nghĩa là "quá"/"rất", từ "bính" nghĩa là "bánh"), nghĩa là "bánh gạo bụng to" vì là chúng có chứa nhân. Sau này, nó được đổi tên thành bánh Đại Phúc (Daifuku mochi-大腹餅- Đại Phúc Bính). Vì âm của từ "phúc" có nghĩa là "bụng" (Fuku- 腹) và từ "phúc" có nghĩa là "hạnh phúc" (Fuku- 福) là giống nhau trong tiếng Nhật, nên sau này, tên bánh được đổi thành "Đại Phúc" với nghĩa "hạnh phúc ngập tràn"; bánh mang đến hạnh phúc lớn lao cho mọi người. Cuối thế kỷ 19, bánh Daifuku bắt đầu phổ biến và mọi người bắt đầu ăn nó bằng cách nướng lên. Họ cũng dùng bánh này cho các dịp lễ hội.
★ Các loại bánh
・ Yomogi daifuku- 蓬大福
Loại bánh được làm với kusa mochi (草餅), loại mochi có hương của rau ngải cứu Nhật Bản (Artemisia princeps).
・Ichigo daifuku- イチゴ大福
Loại bánh với nhân dâu tây và các loại nhân ngọt khác, thường là nhân anko ở trong viên nếp mochi. Kem làm bánh cũng được dùng để làm nhân. Vì loại này có dâu tây nên thường được ăn vào mùa xuân. Loại bánh này được sáng tạo vào những năm 1980. Nhiều hiệu bánh đều nhận là người tạo ra loại Daifuku này nên nguồn gốc chính xác của nó đến này vẫn không xác định được.
・Yukimi Daifuku- 雪見だいふく
Là dòng sản phẩm mochi kem được công ty Lotte sản xuất.
・Mame daifuku- 豆大福
Là loại bánh có bột trộn với đậu đỏ hoặc đậu nành với nhân ngọt làm từ đậu đỏ.
・Shio daifuku- 塩大福
Một loại bánh có bột hơi mặn với nhân đậu đỏ ngọt.
・Ume daifuku- 梅大福
Loại bánh có nhân ngọt làm từ mai mơ
・Coffee daifuku (コーヒー大福)
Loại bánh có nhân pha cà phê
・Mont Blanc daifuku (モンブラン大福)
Loại bánh có nhân ngọt làm từ hạt dẻ nghiền nhuyễn (kem của hãng Mont Blanc).
・Purin daifuku (プリン大福)
Một loại bánh có nhân kem caramel(プリン).
Nhật Bản có mật độ máy bán hàng tự động cao nhất trên thế giới. Ở Nhật Bản, người ta có thể mua được đủ thứ từ ô che nắng, hoa tươi, những món ăn nấu sẵn đến nước giải khát lạnh qua 5 triệu máy bán hàng tự động hiện diện khắp nơi.
Cùng với hoa anh đào, núi Phú Sĩ, những chiếc máy bán hàng tự động đang tạo nên đặc trưng Nhật Bản trong văn hóa mua sắm. Nhật Bản có tỉ lệ tội phạm rất thấp, nhờ đó các công ty đủ sự an tâm để lắp đặt các máy bán hàng tự động khắp mọi nơi: từ các trung tâm thành phố rực rỡ ánh đèn neon mỗi khi đêm về tới những nơi băng phủ quanh năm trên đỉnh núi Phú Sĩ mà không lo chúng bị đập phá hay ăn trộm.
Hàng triệu người Nhật Bản đã tìm thấy ở các máy bán hàng tự động sự tiện lợi đến mức họ khó có thể hình dung cuộc sống đương đại sẽ như thế nào nếu thiếu chúng. Trong số 5 triệu máy bán hàng tự động kể trên, có một nửa là bán đồ uống – trung bình cứ 50 người có một máy. Hiệp hội Các nhà sản xuất máy bán hàng tự động Nhật Bản cho biết các máy bán hàng này tạo ra doanh thu 27 tỷ USD trong năm ngoái.
Các máy bán hàng tự động thế hệ mới nhất thậm chí còn có thể giúp khách hàng lựa chọn hàng hóa nhờ lắp kèm một máy quay phim và một phần mềm nhận dạng giới tính và độ tuổi, với độ chính xác 75%. Thậm chí có máy bán nước giải khát tự động đặt ở ga tàu Shinagawa ở Tokyo còn có thể “đọc” được ý nghĩ của khách hàng nhờ một phần mềm thông minh, qua đó phục vụ món đồ uống trúng ý họ. Hình thức thanh toán đối với máy bán hàng tân tiến này cũng rất đa dạng: khách hàng có thể trả qua thẻ tín dụng, điện thoại di động hoặc tiền mặt.
Để bảo vệ tính riêng tư của người tiêu dùng, các hình ảnh sẽ được xóa ngay lập tức sau khi khách hàng thanh toán, song dữ liệu về giới tính, tuổi tác và lựa chọn hàng của khách hàng vẫn được lưu lại.
Ông Toshinari Sasagawa, giám đốc kinh doanh của JR East Water Business Co, vận hành máy bán hàng tân tiến kể trên cho biết: “Chúng tôi có dữ liệu về hàng hóa được bán, nơi bán và thời gian bán. Trên hết chúng tôi cũng sẽ có được thông tin về xu hướng mua sắm của người tiêu dùng để qua đó phục vụ tốt hơn”.
Ông Sasagawa cũng cho rằng trong tương lai các máy bán hàng tự động ở Nhật Bản có thể được nâng cấp lên mức có thể giao tiếp với con người. Ông nói: “Chúng tôi muốn khách hàng tìm thấy niềm vui trong quá trình mua hàng, chứ không chỉ ấn nút mua hàng đơn thuần như ở các máy bán hàng tự động khác”.
Máy bán hàng tự động còn có thể được tìm thấy với kích cỡ nhỏ hơn. Họ bán các mặt hàng như kem, gạo, máy ảnh dùng một lần, mì ăn liền và thậm chí là Omikuji ( おみくじ, bùa may mắn) bán tại các đền thờ và miếu.
Đây là những địa chỉ bỏ túi hữu ích cho bạn nào muốn thoải mái chơi đùa cùng những em mèo xinh khi đến với thủ đô xứ anh đào.
1. Nyafe Melange
Có khung cửa sổ nhìn xuống những con phố nhộn nhịp của Shibuya, tiệm cà phê này là ngôi nhà của 23 chú mèo. Những chú mèo ở đây luôn thích nằm ườn trên những chỗ nằm được thiết kế đặc biệt trên tường. Trong quán có những cuốn album ảnh từ nhỏ đến lớn của từng chú mèo để bạn tìm hiểu thêm về chúng.
Quán tính tiền theo giờ: 2.000 yên/ giờ (khoảng hơn 200 nghìn/giờ). Bạn được chụp ảnh thoải mái trong quán nhưng không được bật đèn flash. Địa chỉ cụ thể của quán là 1-7-13 Ebisu, Shibuya-ku, Tokyo.
2. Hapi Neko
Tiệm cà phê ở số 2-28-3 Dōgenzaka, Shibuya-ku có khung cảnh rất đẹp với cửa sổ lớn và nội thất được thiết kế như phòng khách gia đình. Quán là nhà của 16 chú mèo xinh xắn và có cả manga vẽ riêng về cuộc sống của chúng. Những chú mèo được tắm rửa sạch sẽ để khách đến cưng nựng thoải mái.
3. Cat Cafe Calico Shinjyuku
Quán cà phê nằm ở số 1-16-2 Kabukichō, Shinjuku-ku, là thiên đường cho những ai thích được bao vây bởi những chú mèo mềm mượt. Bạn sẽ không phải lo cô đơn với 50 chú mèo rất hiếu động và thân thiện nơi đây.
4. Cat Cafe Nekorobi
Tất cả mèo ở đây đều có tư liệu cụ thể từ album ảnh đến video trong cửa hàng và trên trang web để bạn hiểu rõ hơn về chúng. Quán được bày biện đơn giản với sàn rộng để khách có nhiều không gian chơi với mèo. Địa chỉ của Cat Cafe Nekorobi ở số 1-1 Higashi-Ikebukuro, Toshima-ku.
5. Neko no Iru Kyuukeijo 299
Đúng như tên gọi, nơi đây là chốn nghỉ ngơi thư giãn của những người yêu mèo. Bạn có thể thoải mái chơi đùa với những chú mèo đáng yêu bằng rất nhiều đồ chơi, hay đơn giản là ôm một chú mèo và ngồi đọc truyện tranh. Quán nằm ở số 1-23-9 Higashi Ikebukuro, Toshima-ku.
6. Temari no Ouchi
Đây chắc chắn là quán cà phê mèo độc đáo nhất ở Tokyo. Bạn sẽ cảm thấy như vừa bước chân vào một thế giới thần tiên có 17 chú mèo bởi phong cách kiến trúc và bài trí lạ mắt. Địa chỉ của quán ở 2-13-14 Kichijōji Honchō, Musashino-shi.
7. Neko JaLaLa
Điểm đặc biệt của quán cà phê nhỏ này là có những chú mèo khá hiếm, từ Maine Coon hay mèo lông dài Mỹ đến mèo Abyssinian. Đây là điểm đến tuyệt vời nếu bạn muốn dành thời gian bên những chú mèo lạ. Địa chỉ của quán ở số 3-5-5 Sotokanda, Chiyoda-ku.
8. Cat Cafe Asakusa Nekoen
Quán cà phê có tầm nhìn khá đẹp khi nằm ở tầng 6, số 3-1-1 Asakusa, Taitō-ku. Từ cửa sổ quán có thể ngắm Tokyo Skytree, từng được gọi là tháp Tokyo mới. Những chú mèo của quán dường như cũng rất thích ngồi mơ màng thưởng thức cảnh đẹp.
Một số tài liệu gọi họ là những “Samurai nữ” trong khi cách dùng đúng nhất phải là ‘onna bu-geisha’ (ở đây, onna là phụ nữ còn bugeisha là chiến binh, nhằm ám chỉ tầng lớp nữ giới quý tộc trong các triều đại phong kiến Nhật Bản.
Họ sinh ra đã được mang sứ mệnh bảo vệ cho tầng lớp của mình. Để hoàn thành sứ mệnh đó, họ được gia tộc huấn luyện sử dụng vũ khí, võ thuật ngay từ nhỏ. Việc này đã khiến cho khá nhiều người lầm tưởng và tới giờ cách dùng phổ biến trong một số tài liệu vẫn gọi họ là Samurai nữ.
Hình ảnh một chiến binh nữ được thể hiện trong bức tranh cổ.
Tuy nhiên, cần phải hiểu rằng Samurai là từ dùng để dành cho một tầng lớp đặc biệt của xã hội Nhật Bản, và từ này chỉ dành cho phái nam.
Trong lịch sử Nhật Bản, có một số những tên tuổi chiến binh nữ thường được nhắc tới như Nakano Takeko, Hangaku Gozen, Tomoe Gozen…Song số lượng những chiến binh nữ được ghi rõ trong sử sách như vậy quả thực là rất ít ỏi. Lý do thì chúng ta cũng đã rõ bởi Nhật Bản là một quốc gia có truyền thống trọng nam – khinh nữ. Vị trí của nữ giới trong xã hội phong kiến bao giờ cũng đặt thấp hơn nam giới nên với những vị nữ nhân có tài năng như thế này, rất dễ hiểu là tại sao sử sách lại không ghi lại một cách rõ ràng.
Nữ chiến binh Hangaku Gozen.
Họ thường là các nữ lang trong các gia đình tướng quân, lãnh đạo một nhóm nữ binh nhỏ có khả năng sử dụng Naginata (là một loại vũ khí cổ truyền thường được sử dụng bởi các Samurai). Họ cũng có áo giáp và mũ như các Samurai nam, và tham gia một số trận chiến theo chỉ thị của tướng quân.
Cũng theo đó, họ được tập luyện một loại võ thuật gọi là Naginatajutsu (có thể gọi tắt là Naginata).
Ngày nay vẫn còn nhiều võ đạo quán Naginatajutsu tại Kyoto và một vài tỉnh thành khác ở Nhật Bản vẫn tiếp tục việc huấn luyện môn võ này cho nữ giới, có lẽ cũng bởi sự hiện diện của các chiến binh nữ trong lịch sử mà thành.
Trong những vị chiến binh nữ kể trên thì nổi bật nhất phải kể đến Tomoe Gozen (1157 – 1247) , vợ của tướng quân Minamoto No Yoshinaka thuộc triều đại Heian, thế kỷ 12.
Hình ảnh anh dũng của Tomoe Gozen trong sách sử.
Sách sử ghi lại rằng, bà luôn xuất hiện với dáng vẻ thật gan dạ phi thường và võ thuật tinh anh, là cánh tay phải đắc lực để hỗ trợ bên cạnh các trận chiến của chồng mình. Trong trận đánh cuối cùng cũng là một trận chiến thất bại của chồng, bà đã cầm lấy thủ cốt của ông rồi tự vẫn bên bờ biển.
Từ Gozen luôn đính kèm sau tên bà không phải là họ mà là một cách dùng kính ngữ, một từ dùng để tôn xưng những người phụ nữ có vị thế cao trong xã hội. Ngoài ra thì Gozen cũng đôi khi được dùng đằng sau tên của một người giới nam.
Ngày nay, người dân ở Kyoto vẫn lưu truyền các điển tích qua những vở kịch về bà tại các lễ hội truyền thống ở địa phương. Độc đáo ở chỗ, khi đóng vai vị chiến binh nữ quả cảm này lại thường là các Geisha danh tiếng tại vùng đất Kyoto, vốn nổi danh nhất đất Phù Tang bởi truyền thống phát triển và lưu truyền nghiệp Geisha của mình.
Geisha ở Kyoto đóng giả thành Tomoe Gozen.
Trong các tác phẩm văn học, manga, thơ và kịch…của Nhật Bản, hình ảnh của các chiến binh nữ luôn xuất hiện với dáng vẻ cuốn hút đặc biệt. Đó là bởi họ đã được kết hợp giữa vẻ duyên dáng của phụ nữ với sự anh dũng phi thường của một ‘Samurai’ nữ mang trong mình sứ mệnh bảo vệ, vốn chỉ thuộc về phái nam.
Đứng bên cạnh những chiến binh Samurai oai dũng, họ, những chiến binh nữ hiếm hoi trong lịch sử Nhật Bản vẫn còn là những huyền thoại bí ẩn.
Đến vùng núi lửa Chausudake, quận Tochigi, Nhật Bản bạn sẽ được thấy hình ảnh hàng trăm bức tượng nhỏ Jizo với cách sắp xếp kì lạ, những bức tượng này đượ gọi với cái tên đội quân huyền bí.
Jizo là một trong những vị thần được người Nhật sùng kính nhất, được người Nhật coi là vị cứu tinh có khả năng xoa dịu những đau khổ mà con người phải gánh chịu khi xuống địa ngục. Những bức tượng Jizo này hé lộ những bí mật về Phật giáo ở Nhật Bản.
Thần Jizo và truyền thuyết về vị Bồ Tát bảo vệ trẻ con
Vùng núi lửa Chausudake, quận Tochigi, Nhật Bản, ngoài cảnh quan thiên nhiên kỳ vĩ, hoang vu, những người đã từng đặt chân đến nơi đây đều không thể bỏ qua việc chiêm ngưỡng hàng trăm bức tượng nhỏ nằm san sát bên nhau tạo thành một đội quân huyền bí.
Người ta gọi chúng là những bức tượng nhỏ Jizo. Jizo (hay còn gọi là Ngài Địa Tạng) là một trong những vị thần được người Nhật Bản sùng kính nhất, được coi như vị cứu tinh có khả năng xoa dịu những khổ đau mà con người phải gánh chịu khi xuống địa ngục, mang lại sức khỏe, thành công trong cuộc sống.
Hình ảnh Thần Jizo có thể tìm thấy ở rất nhiều nơi trên đất nước mặt trời mọc, nhưng chỉ ở Chausudake mới có những bức tượng được tạc từ những hòn đá núi lửa đen tạo nên một khung cảnh âm u, huyền bí đến khó quên.
Đội quân đá kỳ quái của Nhật Bản.
Những bức tượng đứng san sát nhau, phần lớn đội mũ màu đỏ, mang yếm vải, hai bàn tay rất to chắp trước ngực và cùng hướng mặt về một phía.
Trong quan niệm của người Nhật Bản, Thần Jizo rất thương yêu trẻ em, và vì thế Ngài là vị Bồ Tát có một sứ mệnh rất đặc biệt là bảo vệ trẻ em. Chính vì vậy mà những bức tượng đều mang hình dáng đáng yêu và khuôn mặt bầu bĩnh của trẻ thơ.
Theo sự tin tưởng của người Phật tử Nhật Bản, lứa tuổi trẻ con vì trí óc còn non nớt chưa phát triển nên không thể phân biệt được phải trái, cũng như không thể thấu hiểu được những giáo lý của đạo Phật.
Dĩ nhiên vì không thông hiểu giáo lý, chúng không thể tu tập để đạt đến giác ngộ, vì thế nên tuy ngây thơ vô tội, sau khi từ giã cõi đời chúng không thể sinh vào cảnh giới Phật, kể cả cảnh giới Tịnh Độ. Ngược lại chúng bị rơi vào cõi u mê mờ mịt.
Huyền thoại Á Đông thường đề cập đến một dòng sông mà người chết trong giai đoạn thân trung ấm cần phải vượt qua, đó là sông Nại Hà. Theo truyền thuyết của Nhật Bản, những trẻ con sau khi chết đều tụ tập lại bên dòng sông này.
Do lòng thương nhớ khôn nguôi đến những người thân yêu, tại đây những đứa trẻ đã nhặt những hòn đá cuội xếp thành một ngôi nhà để tưởng nhớ đến cha mẹ, anh chị em mình.
Một số huyền thoại cho rằng chính trong lúc này Thần Jizo đã hiện ra để chơi với chúng, khuyến khích chúng, giúp chúng xây dựng những ngôi nhà trẻ con nhằm tích lũy công đức để nhờ đó có thể vượt qua dòng sông Nại Hà, trong khi chờ đợi chúng lớn khôn với đầy đủ trí phán đoán để có thể đi đầu thai sang kiếp khác.
Tuy nhiên trong số những truyền thuyết này, cũng có chuyện đã kể lại một cách thương tâm và ghê rợn hơn.
Truyện mô tả không khí bên bờ sông Nại Hà rất là đìu hiu và thê lương, trẻ con thì không ngớt khóc than vì không còn cha mẹ để nương tựa, bấu víu.
Trong lúc này, một mụ phù thuỷ độc ác tên là Datsuba với một con mắt cháy đỏ hung dữ hiện ra, lột hết áo quần của tất cả bọn trẻ treo lên cành cây.
Mụ không ngớt nguyền rủa chúng là do chết yểu nên chúng đã không hoàn tất bổn phận của người con là phải săn sóc, giúp đỡ cha mẹ lúc cha mẹ già yếu. Để bù lại, mỗi ngày mụ bắt chúng phải ở trần truồng xây những căn nhà bằng đá cuội như là một sự trừng phạt.
Nhưng rồi cứ mỗi buổi chiều tối, khi những căn nhà đã sắp hoàn thành xong thì một bầy quỷ hung ác, đầu sừng răng nanh hiện ra, dùng gậy sắt đập phá hết tất cả những công trình xây dựng của bọn trẻ, miệng chúng không ngừng la lối nạt nộ.
Chính lúc này thì Thần Jizo hiện ra và bọn trẻ vội vàng chạy đến chui vào tăng bào của Ngài để tìm chỗ ẩn trốn. Những đứa nhỏ hơn vì chạy không kịp thì vội đeo vào cánh tay hay thiền trượng của Ngài.
Thần Jizo liền an ủi vỗ về chúng: “Không có gì các con phải sợ hãi cả. Từ đây ta là Mẹ, là Cha của các con.
” Khi đó bọn quỷ đã xúm lại đòi Thần Jizo phải trao đám trẻ con lại cho chúng, nhưng Ngài đã dùng uy lực của mình phóng ra những vầng hào quang rực rỡ khiến bọn chúng đều khiếp sợ bỏ đi.
Huyền thoại này của người Nhật đã mô tả lại những nỗi khổ đau mà ngay cả một đứa trẻ nhỏ bé ngây thơ vô tội cũng phải gánh chịu ở thế giới bên kia, và chỉ có Thần Jizo là người duy nhất đã cứu vớt những linh hồn bé nhỏ đó.
Thần Jizo trong tín ngưỡng của người Nhật Bản
Chính vì tin tưởng vào dòng sông Nại Hà này cũng như vào Thần Jizo mà người Nhật Bản trong hàng thế kỷ qua đã xây dựng lên rất nhiều đền đài, lăng tẩm để thờ phụng Ngài dọc theo các bờ sông hay các ghềnh đá bên cạnh bờ biển.
Có nơi người ta sắp xếp hàng trăm bức tượng nhỏ khuôn mặt của Thần Jizo cùng với đồ chơi trẻ con xen kẽ bên cạnh những hòn đá tưởng niệm.
Lâu ngày, những mộ tháp càng lớn dần lên do những người tin tưởng đến viếng thăm bỏ thêm vào những viên đá, không phải chỉ để tưởng nhớ đến những đứa con thân yêu của mình, mà cho cả những linh hồn của những trẻ thơ bất hạnh đã đi qua cõi đời này kể cả những trẻ đã chết ngay từ lúc chưa sinh.
Đội quân đá kỳ lạ.
Thần Jizo, như đã nói ở trên, không phải chỉ là vị Bồ Tát bảo vệ trẻ con mà theo truyền thuyết của Nhật Bản, đặc biệt là dưới thời đại Hean, đã xuất hiện dưới hình dạng của một đứa trẻ.
Triều đại Hean có thể được coi như là một triều đại đen tối trong lịch sử Nhật Bản. Chiến tranh, xã hội rối loạn, tai ương và dịch bệnh lan tràn khắp nơi tạo nên bao thảm cảnh đau thương, khốn khổ cho mọi người.
Những tín đồ Phật tử thuần thành tin rằng đây là giai đoạn mạt pháp đã đến và trước những thảm cảnh này, may ra chỉ có những năng lực thần linh mới có thể cứu vãn được.
Thế là người ta dốc lòng tin tưởng vào năng lực cứu độ của Thần Jizo, và câu chuyện đã được truyền tụng như sau:
Dưới triều đại của Hoàng đế Go-Ichido, bệnh đậu mùa phát triển và lan tràn nhanh chóng. Lưỡi hái của tử thần đã cuốn đi không biết bao nhiêu là sinh mạng. Nó không chừa bất cứ ai, bất kể quan hay dân, quý tộc hay kẻ bần hàn.
Trước nỗi khổ đau lớn lao này của nhân sinh, với lòng từ bi vô lượng, một nhà sư tên Ninko không biết làm cách gì khác hơn là cầu nguyện đến sự giúp đỡ của thần linh.
Đêm đó trong giấc mơ, nhà sư Ninko trông thấy một đứa trẻ với khuôn mặt thanh tú xuất hiện, nói với ngài: “Nay thì nhà ngươi đã thấy rõ sự vô thường của kiếp sống”.
“Vâng, những người tôi vừa mới nói chuyện với họ hồi sáng đây, tối đã mất rồi. Ngay cả chúng ta đang hạnh phúc hôm nay nhưng ngày mai những khổ đau, thương tâm sẽ xảy đến. Không có gì là vĩnh cửu”, sư Ninko trả lời.
Đứa trẻ mỉm cười: “Không có gì để phải than trách trước những đau thương của kiếp sống. Có lúc nào mà con người lại không có những khổ đau? Nếu một người muốn giải thoát khỏi những nỗi khổ đau, họ nên nghe theo những lời dạy của Thần Jizo”.
Sư Ninko tỉnh giấc và vội vàng chạy đến tìm Kojo, nhà điêu khắc tượng nổi tiếng ở địa phương và nhờ ông ta đúc một pho tượng Thần Jizo.
Khi bức tượng hoàn thành, sư Ninko tổ chức một buổi lễ khánh thành và thuyết giảng một thời pháp về giáo lý và công năng của Thần Jizo. Tăng chúng và quần chúng Phật tử hoàn toàn chuyển động bởi thời pháp này và hết lòng quy ngưỡng vào Thần Jizo.
Tất cả những người có mặt tại ngôi chùa, và tất cả những ai đến tham dự buổi lễ khánh thành này đều thoát qua khỏi kiếp nạn đậu mùa.
Những kẻ kiêu hãnh, không tin tưởng đều bị cuốn đi trong cơn dịch bệnh này. Bệnh đậu mùa cũng đã chấm dứt không lâu sau đó, nhưng cư dân do lòng tin tưởng vì được cứu thoát trong tai ương vừa qua vẫn tiếp tục tôn sùng và thờ phụng Thần Jizo.
Ngoài “đội quân thần bí” gồm hàng trăm bức tượng Thần Jizo ở vùng núi lửa Chausudake, ngày nay, ở những thành phố lớn đông đúc và nhộn nhịp của Nhật Bản, người ta cũng có thể dễ dàng tìm thấy những bàn thờ nhỏ thờ Thần Jizo ở một vài góc phố, vài ngã tư đường.
Ở những nơi thờ phụng lớn hơn, người ta còn thấy Phật tử dâng cúng lên Ngài những bộ quần áo trẻ con, những đôi giày, dép Nhật Bản, vì người ta tin tưởng rằng Thần Jizo đã phải đi mòn không biết bao nhiêu là gót giày, lui tới không ngừng trên khắp đất nước Nhật để an ủi, săn sóc bất cứ ai cần đến sự giúp đỡ của Ngài.
Đặc biệt khi người ta dâng cúng lên Ngài những bộ quần áo trẻ con là vì do niềm tin theo truyền thuyết, Ngài là người rất yêu thích trẻ con, là vị thần hộ mệnh của những trẻ thơ bất hạnh. Đây có thể nói là một nét độc đáo, đầy ý nghĩa của Phật giáo Nhật Bản.
Akashi Kaikyo – cây cầu treo dài nhất thế giới, là ước mơ của người Nhật cũng là công trình đáng chiêm ngưỡng của cả thế giới.
Cầu Akashi Kaikyo – khánh thành ngày 5/4/1998 và được coi là cầu treo dài nhất thế giới – là một ước mơ của người Nhật Bản sau cả thế kỷ đã trở thành hiện thực. Với độ dài gần 4 cây số, đây là chiếc cầu treo dài nhất thế giới. Cầu này băng qua eo Naruto, một địa danh nổi tiếng ở Nhật Bản với những xoáy nước dữ dội.
Thực tế, nhiều người ở Nhật Bản đã nghĩ tới việc xây dựng một chiếc cầu qua eo Naruto cách đây hơn 100 năm. Song, những ý nghĩ đó bị coi là điều không tưởng. Năm 1914, chính trị gia Nakagawa Toranosuke đưa đề nghị trên ra quốc hội nhưng đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, một tai nạn tại đây vào năm 1954, khi 1 tàu chở hàng đâm vào một chiếc phà khiến 167 người thiệt mạng, trong đó có nhiều trẻ em, đã thúc đẩy việc bắc cầu.
Sau 10 năm xây dựng kể từ tháng 5/1988, chiếc cầu gồm 6 làn xe đã hoàn thành, nối Akashi thuộc tỉnh Hyogo với đảo Awaji, và là cầu thứ 2 trong số 3 chiếc cầu nối đảo chính Honshu với Shikoku. Hai cầu khác là cầu Seto Ohashi, bắt đầu đi vào hoạt động năm 1988, nối hai tỉnh Okayama và Kagawa, còn cầu Kurushima, hoàn thành vào mùa xuân năm 1999, nối các tỉnh Hiroshima và Ehime.
Sau đây là một vài con số thống kê chính của cầu Akashi Kaikyo:
• Tổng độ dài là 3.910m và chỉ riêng nhịp cầu giữa là 1.991m;
• Độ cao của 2 trụ chính là 297m tính từ mặt biển, tức là chỉ thấp hơn Tháp Effel ở Paris 23m và thấp hơn Tháp Tokyo 36m;
• Chi phí xây dựng vào khoảng 4 tỉ đôla, trong đó hơn 1 tỉ đôla là để xây dựng đoạn đường cao tốc Kobe-Naruto;
• Tổng số nhân công tham gia: 2,1 triệu người;
• Tổng độ dài dây sử dụng: khoảng 300.000km, đủ quấn 7 vòng rưỡi quanh trái đất;
• Tổng khối lượng bê tông sử dụng: 1,42 triệu mét khối;
• Tổng khối lượng thép sử dụng: 200.000 tấn
Cầu Akashi Kaikyo tượng trưng cho những tiến bộ mới nhất trong kỹ thuật. Hai trụ cầu chính nằm trên trụ bê tông cao 65m và có đường kính 80m. Mỗi đường cáp treo dài 4km bao gồm 36.830 sợi dây có đường kính 5mm. Khí không có hơi nước được bơm qua các đường cáp để dây không bị rỉ sét.
Những đường cáp kể trên chỉ là 1 trong hơn 100 phát minh kỹ thuật được cấp bằng sáng chế, phát minh ra trong thời gian xây dựng cầu và được các kỹ sư trên thế giới đánh giá cao.
Cầu này nằm gần tâm động đất Hanshin – trận động đất khủng khiếp năm 1995 với cường độ 7,2 độ Richter đã khiến hơn 6000 người thiệt mạng – nhưng không hề bị ảnh hưởng. Cơ quan quản lý cầu Honshu-Shikoku, chịu trách nhiệm xây dựng và bảo dưỡng cầu Akashi Kaikyo cho biết, cầu có thể chịu được động đất tới 8,5 độ Richter, vững vàng trước gió lớn với vận tốc 280km/h và sóng thần 4,5m/giây.
Nhờ có cầu Akashi Kaikyo, thời gian đi lại giữa Honshu và Shikoku được rút ngắn đáng kể và rõ ràng thuận lợi hơn nhiều. Chẳng hạn thời gian đi từ Kobe đến đảo Awaji được rút ngắn một nửa, còn 70 phút. Từ Osaka đến Tokushima nay chỉ mất 1 giờ 40 phút so với trước đây phải đi phà mất 3 giờ.
Tất nhiên, qua cầu phải trả lệ phí, nhưng mức phí áp dụng trong 5 năm kể từ 4/98 (khoảng 20 đôla cho xe hơi và xe máy, 24 đôla cho xe dưới 8 tấn và 33 đôla cho những loại xe lớn hơn) thấp hơn nhiều so với cầu Seto Ohashi. Và thậm chí mức lệ phí toàn bộ sau 5 năm vẫn thấp hơn mức lệ phí sắp giảm xuống của cầu Seto Ohashi.
Bên cạnh việc tiết kiệm thời gian, cầu này cũng sẽ tạo sự thúc đẩy cần thiết cho kinh tế địa phương, thậm chí nhiều hơn cầu Seto Ohashi vì nối Shikoku trực tiếp với các trung tâm công nghiệp và kinh tế của vùng Kansai. Một viện nghiên cứu tư nhân cho rằng, cầu Akashi Kaikyo sẽ giúp tăng tổng sản phẩm khu vực ở 2 tỉnh Hyogo, Osaka và 4 tỉnh ở Shikoku thêm gần 1,2 tỉ đôla vào năm 2000. Theo ước tính của Hãng đại lý du lịch Nhật Bản JTB, số du khách từ khu vực Kansai đến Shikoku trong năm nay sẽ tăng 750.000 người, trong khi số lượng du khách tới đảo Awaji sẽ tăng thêm 2 triệu.
Cầu Akashi Kaikyo không chỉ là biểu tượng cho kỹ thuật tiên tiến của người Nhật, không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế và du lịch địa phương, mà quan trọng hơn, nó còn là bằng chứng cho thấy khu vực Kobe-Awaji đã khôi phục đáng kể và vươn lên từ những thiệt hại trong trận động đất vào đầu năm 1995
Theo người dân địa phương, Tokyo Daijingu là ngôi đền linh thiêng nhất về tình duyên. Trong thực tế, nó là một trong những đền thờ linh thiêng nhất tại Nhật Bản không chỉ về tình duyên mà trên tất cả các phương diện. Ngôi đền này là một nhánh của Đền Ise Grand ở quận Mie, một trong những nơi linh thiêng nhất. Ngôi đền được xây dựng theo lệnh của Hoàng đế Minh Trị vào năm 1880 để người dân có thể được ban phước lành từ Đền Ise mà không cần phải tới tận quận Mie.
Mọi người, đặc biệt là phụ nữ, thường đến Daijingu vì nhiều lý do nhưng chủ yếu là để cầu duyên hoặc để cầu mong cho tình yêu sẽ không bị tan vỡ. Có rất nhiều những lá bùa yêu được bày bán tại đây. Chiếc bùa mở ra sẽ trông giống như một trái tim có lồng ảnh người bạn yêu thương. Ngoài ra cũng có nhiều tấm thẻ gỗ "enmusubi ema" được sơn màu với nhiều hình dạng và màu sắc khác nhau. Enmusubi là một thuật ngữ có nghĩa là gắn chặt với nhau và thường được sử dụng với những lá bùa gắn kết giữa tình yêu và hôn nhân.
Nói đến Bento – hộp cơm trưa kiểu Nhật – là người ta nghĩ ngay đến những hộp cơm đẹp mắt với các món ăn phong phú, đầy đủ dinh dưỡng. Thế nhưng cô Hotaru Yamakawa lại muốn đem đến cho mọi người một cách nhìn nhận khác.
Từ những nguyên liệu đơn giản như cơm, trứng, rau củ, rong biển, cà chua…Yamakawa đã biến những hộp cơm Bento thành tác phẩm nghệ thuật kinh dị.
Đôi mắt trắng dã nổi bật được làm từ hai quả trứng luộc.
Những bộ tóc được làm từ mì và rong biển.
Bạn có dám ăn những món như thế này và liệu ăn có cảm giác ngon không?
Món cơm này khiến bạn tưởng tượng ra hình ảnh của một zombie.
Quả thực trông những món ăn này thật đáng sợ. Nhưng chúng lại tạo ra những cảm giác mới mẻ thú vị cho người ăn.
Trong những đêm đông lạnh giá, cùng người thân ngồi quây quần ấm cúng bên bếp than hồng và thưởng thức món lẩu nướng Nhật Bản thì còn gì tuyệt vời hơn.
Ấm dạ với món lẩu nướng Nhật Bản hấp dẫn.
Thoạt trông món lẩu nướng có thể dễ chế biến vì chỉ cần tẩm ướp gia vị. đặt lên bếp than hồng là có thể thưởng thức được rồi. Nhưng để có được một món nướng đúng chất lượng Nhật Bản thì khâu tẩm ướp gia vị phải vừa khéo, không được ít quá cũng không được quá tay. Mỗi món ăn lại đòi hỏi một thứ gia vị riêng. Chẳng hạn, thịt bò cần được ướp mật ong và ngũ vị, mực tươi và các loại hải sản khác có thể ướp sa tế.
Khi nướng nhất thiết phải phết chút bơ hay dầu ăn lên vì nướng. Như thế, món nướng sẽ không bị khô, dai hay dễ cháy. Và quan trọng là người nướng phải dở đều tay, canh lửa nhỏ để các món được chín đều, thơm ngon.
Những lát thịt bò thơm ngon nướng cùng rau quả thêm phần đặc biệt.
Món nướng có thể được ăn riêng hoặc cuộn thêm rau sống, khế chua, cà rốt, chuối xanh,…tùy sở thích của từng người. Khi thức ăn dậy mùi, chín tới thì gắp ra đĩa, gói cùng với các loại rau quả rồi chấm với nước sốt, chỉ cần đưa lên là đã thấy mùi thơm lan tỏa. Cắn một miếng nhỏ sẽ cảm nhận được vị chua của khế, vị chát của chuối xanh sẽ làm món nướng bớt ngấy, sẽ chỉ cảm nhận được vị đậm đà, ngọt lịm của món ăn lan tỏa trong miệng.
Ăn món nướng, không thể ăn nhanh được mà phải lai dai trò chuyện cùng bạn bè, người thân. Trời càng lạnh thì món ăn càng nóng sốt hấp dẫn. Nhâm nhi thêm chén rượu sake nóng càng thêm phần ấm dạ.
Bạn đã bao giờ được thấy kem với hương vị của… rắn, bia hay tôm chiên trong cuộc đời mình chưa?
Trong mắt tất cả mọi người, kem là một loại đồ ăn tuy lạnh ngắt nhưng rất ngọt ngào. Nhưng ở tại Nhật Bản, có lẽ kem là một món ăn độc đáo “có một không hai”. Bạn đã bao giờ được thấy kem với hương vị của…rắn, bia hay tôm chiên chưa? Thế thì hãy đến tham quan một siêu thị mang tên Namja Town tại Nhật Bản. Tại đây có một bảo tàng đặc biệt chuyên trưng bày các loại kem kỳ dị nhất thế giới do người Nhật Bản nghĩ ra. Chúng vẫn có hình dạng giống như mọi loại kem thường thấy, nhưng sự khác biệt nằm ở…hương vị.
Đây là trang Blog trao đổi, cập nhật liên tục thông tin Việt Nam và Nhật Bản hàng ngày. Rất mong sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn nữa đến các bạn có nhu cầu tìm hiểu về Nhật Bản, đồng thời cũng mong nhận được nhiều bài viết và những chia sẽ của các bạn để trang Bolg ngày càng phong phú hơn.