Nếu như nước Mỹ có một Bill Gates thì nước Nhật cũng có thiên tài kinh doanh tin học của họ. Đó là Masayoshi Son (孫 正義), người sáng lập và đồng thời là Tổng giám đốc điều hành của Softbank, tập đoàn tin học lớn nhất của Nhật Bản.
Masayoshi Son - CEO của Softbank
Masayoshi Son không chỉ là nhà tỉ phú giàu nhất, mà còn được coi là doanh nhân Nhật Bản vĩ đại nhất về máy tính. Với rất nhiều phi vụ kinh doanh nổi đình nổi đám, Masayoshi Son được biết đến là nhà kinh doanh có biệt tài bất chợt nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn mà người khác không nhận ra.
Masayoshin Son được coi là người tiên phong đã phổ cập Internet cho toàn nước Nhật. Những công nghệ tiên tiến nhất về đường truyền tốc độ cao, áp dụng băng thông rộng mà Masayoshin Son thực hiện đã giúp cho nước Nhật có những bước tiến ngoạn mục trong việc sử dụng Internet.
Xuất thân là con một gia đình thiểu số
Masayoshi Son lớn lên ở khu phố người Hàn Quốc nghèo khổ ở Tosu, một vùng nông thôn xa xôi nằm ở phía Tây Nam Tokyo (ông bà của Son là người Hàn Quốc nhập cư vào Nhật). Cha ông chăn nuôi heo và bán rượu lậu trước khi bắt đầu thử sức ở lĩnh vực kinh doanh nhà hàng, bất động sản và các tiệm chơi máy giật xèng (đánh bạc).
Khi còn là một cậu bé, ông đã cùng bà nội đi lượm thức ăn ở thùng rác nhà hàng xóm để về cho heo ăn. Tuy nhiên, Son đã sớm xây dựng một niềm tin vững vàng vào năng lực của mình mà sau này ông đã khai thác triệt để trong kinh doanh. Điều này càng được củng cố nhờ sự động viên và niềm tin của cha ông rằng một ngày nào đó Son sẽ là nhân vật số 1 tại Nhật.
“Tôi bắt đầu nghĩ rằng mình không nên hài lòng với việc làm một con người bình thường và rằng tôi là một thiên tài”, ông cho biết.
Năm 1981, chẳng được trang bị gì nhiều ngoài sự tự tin vốn có và lòng khâm phục đối với Soichiro Honda, nhà sáng lập hãng xe Honda, Son đã rời nước Mỹ, quay lại quê nhà, thành lập một cửa hàng ở Fukuoka, thuộc đảo Kyushu.
Từ việc đặt “căn cứ” tại một ngôi nhà gỗ 2 tầng đã xuống cấp, Công ty của Son, tiền thân của SoftBank, đã nhanh chóng bành trướng trở thành nhà phân phối phần mềm và máy tính cá nhân lớn nhờ tận dụng được cơn sốt tiêu dùng máy tính.
Sau đó, Son đã vươn ra lĩnh vực băng thông rộng và đầu tư vào một loạt các công ty từ Yahoo! cho đến TV Asahi, Aozora Bank và Nasdaq Japan.
Khi liên tục chuyển hướng chiến lược như vậy và cùng với các khoản đầu tư dường như hơi ngẫu hứng đã khiến cho nhiều người chỉ trích ông là người cơ hội, chỉ giỏi phát hiện, đánh hơi thương vụ nhưng lại không có đủ nguồn lực để phát triển nên những công ty thực sự.
SoftBank là công ty đầu tiên bán ra chiếc iPhone tại Nhật với chiến dịch marketing rất khác thường vào năm 2007 về một gia đình đa sắc tộc có cha là một chú chó. Chiến dịch này được đánh giá là một trong những chiến dịch marketing thành công nhất tại Nhật lúc đó, đã giúp SoftBank tăng gấp đôi lượng người thuê bao và bám sát gót 2 đối thủ Docomo và Au KDDI.
Softbank là nhà phân phối Iphone đầu tine6 tại thị trường Nhật Bản
Và Son cũng giành được tiếng tăm là một chàng David khác người đã chống lại được cùng lúc với 2 gã khổng lồ Goliath của ngành điện thoại di động. Son hy vọng có thể lặp lại thắng lợi này với Sprint Nextel tại Mỹ và đưa đế chế di động của ông trở thành lớn nhất thế giới trong khi ông còn sống.
Hiện tại, Son đã lên kế hoạch tấn công thị trường này. Mặc dù Dan Hesse, Tổng Giám đốc Sprint Nextel, sẽ tiếp tục giữ vị trí CEO, nhưng Son lại là người bắn phát súng đầu tiên trong cuộc chiến cam go giành thị trường ở Mỹ.
Doanh thu của Softbank tăng vượt bậc dưới sự điều hành của Masayoshi Son
Ngày 18/10, Sprint Nextel đã công bố kế hoạch nâng cổ phần sở hữu tại Clearwire, nhà cung cấp dịch vụ băng thông di động có độ phủ sóng cao, nhằm tăng cường sức mạnh cho Sprint Nextel trong việc đối đầu với AT&T và Verizon Wireless. Điều này sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự chống lưng của SoftBank.
Khi còn là một sinh viên ở Berkeley, Son đã vạch ra kế hoạch cho cả đời: xây dựng nên một sự nghiệp lớn trong độ tuổi 40-50 và chuyển giao quyền lực cho người kế vị trong độ tuổi 60.
Ở độ tuổi 58, ông đang trong trận chiến cam go đối đầu với những gã khổng lồ trong ngành dịch vụ di động. Và mục tiêu nói trên của Son, vốn đang hừng hực sức sống, có thể sẽ phải được hoãn lại.
Nhật Bản là quốc gia có nền kính tế đứng thứ 3 trên thế giới, tuy nhiên nền kinh tế của quốc gia này trong suốt 20 năm qua luôn chìm trong tình trạng giảm phát. Để khắc phục tình trạng này đồng thời vực dậy sự trì trệ nền kinh tế Nhật Bản vốn đã lâm vào tình trạng bão hòa, sau khi tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 2 của mình, thủ tướng Shinzo Abe đã quyết tâm ban hành chính sách mới gọi là "Abenomics", có nghĩa là “Kinh tế học của Thủ tướng Abe”, được ghép từ “Abe” và “economics”
Abenomics là hàng loạt chính sách kinh tế được gọi là chiến lược “3 mũi tên” với trọng tâm chính gồm: thúc đẩy chi tiêu công, nới lỏng tiền tệ và tăng trưởng kinh tế sâu rộng.
- Chính sách nới lỏng tiền tệ: Đây là chính sách thực hiện giảm lãi suất thực được Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) áp dụng nhằm nới lỏng tiền tệ, hạ giá đồng Yên, cũng như thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu, tăng khả năng cạnh tranh cho hàng hóa Nhật Bản trên thị trường nước ngoài.
- Chính sách thúc đẩy chi tiêu công: Để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của đất nước, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố kế hoạch chi tiêu công trị giá 5,3 nghìn tỷ Yên (60 tỷ USD) trong ngân sách năm 2013. Đồng thời, Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua quyết định “bơm” khoảng 25 nghìn tỷ Yên (260 tỷ USD) trong 5 năm, tăng so với mức 19 nghìn tỷ Yên (200 tỷ USD).
- Chính sách tăng trưởng kinh tế sâu rộng: Đây là trụ cột mang tính dài hạn nhằm tạo đà phát triển bền vững cho nền kinh tế Nhật Bản. Để tăng trưởng kinh tế sâu rộng chính sách này đã hướng tới các mục tiêu cụ thể sau:
a. Thu hút lao động nữ để bù đắp cho sự thiếu hụt về nguồn lao động.
b. Giảm tỷ lệ thất nghiệp khoảng 20%
c. Đứng thứ nhất thế giới về những đổi mới trong phát triển kinh tế
d. Đưa nông nghiệp trở thành “ngành Công nghiệp thứ 6”
e. Thực hiện tự do thương mại
Theo đánh giá của các chuyên gia thì thành công đầu tiên của "Abenomics" tính đến thời điểm này là chiến lược trên đã tạo cho người dân “cảm giác kỳ vọng về sự tái sinh của nền kinh tế Nhật Bản.” Kết quả thăm dò dư luận do hãng tin Kyodo tiến hành cho thấy có tới 65% số người được hỏi hy vọng chính sách “Abenomics” sẽ mang lại hiệu quả.
Những hiệu quả đầu tiên mà chính sách "Abenomics" mang lại chính là việc thúc đầy thị trường chứng khoán Nhật bản tăng khoảng 40% trái ngược hẳn với bức tranh màu xám của chứng khoán khu vực và thế giới. Sau một năm rưỡi triển khai chính sách Abenomics, ngày 25/8/2014, chỉ số Nikkei 225 đã đạt 15.600 điểm. Qua đó, góp phần quan trọng vào hạ giá đồng Yên trên thị trường hối đoái.
Thành công thứ 2 của chính sách "Abenomics" là tốc độ tăng trưởng GDP ổn định. Trong quý I/2013, ngay sau khi chính sách Abenomics được tiến hành, tốc độ tăng trưởng GDP đã tăng 1,3%, là mức tăng trưởng cao nhất của Nhật Bản trong vòng một năm qua. Mức tăng trưởng GDP tuy có giảm ở các quý sau nhưng vẫn duy trì được mức tăng thực dương và đưa tốc độ tăng trưởng GDP cả năm lên mức 3%.
Thứ ba, hoạt động xuất khẩu tăng. Sau hơn 1 năm thực hiện chính sách Abenomics, xuất khẩu Nhật Bản có mức tăng trưởng dương, ở mức 3,8% sau một thời gian dài xuất khẩu tăng trưởng âm. Nguyên nhân chính dẫn đến việc tăng xuất khẩu là do giá trị đồng Yên yếu đi. Đồng Yên yếu đã khiến cho giá hàng hóa xuất khẩu của Nhật Bản, đặc biệt là ô tô, sản phẩm điện tử, trở nên rẻ hơn, tăng khả năng cạnh tranh trên các thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường châu Âu và Mỹ.
Thứ tư, tăng cường quan hệ đối ngoại với các nước trong khu vực châu Á cũng như châu Âu để thúc đẩy các ngành kinh tế nhạy cảm như nông - lâm - ngư nghiệp phát triển.
Giới đầu tư và các chuyên gia kinh tế dường như chưa hẳn đã hài lòng với chiến lược tăng trưởng của ông Abe vì cho rằng nó vẫn chưa đủ mạnh để có thể tạo ra bước đột phá. Tuy nhiên, khi bức tranh tổng thể của "Abenomics" hé mở cũng là lúc “hai mũi tên” đầu tiên đã bắt đầu phát huy tác dụng. Rõ ràng, tâm trạng hoài nghi dẫu có cũng không thể lấn át những kỳ vọng của đông đảo người dân về viễn cảnh tươi sáng của nền kinh tế Nhật Bản.
Bài học khởi nghiệp từ “nghệ sĩ Sushi” giỏi nhất thế giới
Jiro Ono Sushi, một quán Sushi nhỏ với diện tích chỉ hơn 50 mét vuông đã trở thành một nhà hàng nổi tiếng của cả Nhật Bản với thực đơn sushi được cho là ngon nhất thế giới.
Để được thưởng thức tại nhà hàng này, khách hàng cần đặt chổ trước ít nhất 3 tháng. Jiro Ono, người chủ nhà hàng 85 tuổi được vinh danh là nghệ sĩ sushi hàng đầu Nhật Bản đã có 70 năm làm việc với thực đơn chỉ là sushi.
Chân dung ông Jiro Ono
Đài truyền hình Magnolia, Nhật bản đã sản xuất một bộ phim tài liệu về cuộc đời và “sự nghiệp sushi” của Jiro Ono mang tên “Jiro Dreams of Sushi” được rất nhiều bạn trẻ trên toàn thế giới đón nhận nhiệt tình. Họ bị chinh phục bởi một triết lý khởi nghiệp đầy nhân văn và văn hoá làm việc của người Nhật Bản. Từ một cửa hàng sushi nhỏ, Jiro trở thành một biểu tượng và niềm tự hào ẩm thực của Nhật Bản.
Triết lý khởi nghiệp của Jiro được gọi là “triết lý sushi” đã gợi ý cho chúng ta những bài học quan trọng sau:
Một khi đã quyết định lựa chọn công việc, bạn phải đắm chìm trong công việc của bạn
Jiro tâm sự “Một khi đã quyết định về nghề nghiệp của mình, bạn phải nhấn chìm chính mình vào công việc, bạn phải yêu say đắm và không bao giờ được phàn nàn về nó. Bạn phải hiến dâng cả cuộc sống của mình để biết hết và làm chủ tất cả mọi kỹ năng cần thiết. Đó là bí quyết của thành công và là chìa khoá của sự vinh danh”
Jiro là một người thợ làm sushi hạnh phúc, ông yêu công việc và thực hiện nó hầu như suốt cả cuộc đời.
Tuy nhiên, có một điều cần ghi nhớ rằng, Jiro không nói “hãy tìm công việc bạn yêu thích” nhưng ông nhấn mạnh rằng “bạn phải yêu công việc bạn đã chọn”.
Điều này có nghĩa là bạn phải ý thức và nuôi dưỡng tình yêu giống như trong hôn nhân vậy. Điều này hoàn toàn khác sự yêu thích của tuổi trẻ bồng bột, một sáng thức dậy thấy háo hức muốn thực hiện một điều gì đó thế rồi vỡ mộng và chán chường sau đó vài tuần khi va chạm những thử thách. Tình yêu công việc đòi hỏi một sự cống hiến gần như trọn đời.
Điều này gợi cho chúng ta nhớ đến hai cụm từ phổ biến “làm việc vì tiền” và “làm việc vì lòng say mê”. Niềm đam mê công việc là hành trình thực hiện một ước mơ, có đôi lúc chúng ta phải chịu đựng những điều kiện làm việc cực nhọc…để rồi chúng ta có thể tận hưởng cuộc sống khi thành công.
Không quá tệ nếu chúng ta bị trách là chỉ biết “làm việc vì tiền”, nhưng “làm việc bằng lòng say mê” là một cuộc cách mạng trong mối quan hệ giữa chúng ta và công việc, là cơ sở để nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tự hào về công việc của bạn để có thể cung cấp được chất lượng tốt nhất
Sushi được định nghĩa như một món ăn đơn giản, nhỏ gọn. Nhưng chính Jiro đã đưa món ăn này lên một cấp độ mới. Khác với những nhà hàng khác, Jiro không phục vụ các món ăn như khai vị hay tráng miệng, thay vào đó thực khách được phục vụ với 20 món sushi đầy đủ mùi vị, và chỉ sushi mà thôi.
Điều đặc biệt, nhà hàng của Jiro chỉ có 10 chổ ngồi, điều này giúp cho các nhân viên của ông được tập trung để làm ra các món sushi ngon nhất. Họ cũng có thể giúp họ quan sát chi tiết tính tình của từng khách hàng và phục vụ tốt nhất.
Yoshikazu, con trai đầu của Jiro người hiện nay được kế thừa quản lý nhà hàng cho biết rằng các nhân viên trong nhà hàng làm sushi, công việc của họ lập đi lập lại hàng ngày như nhau, điều đó tạo điều kiện họ làm chủ đầy đủ các kỹ năng nhỏ nhất và tạo ra các món sushi có chất lượng rất ổn định.
Jiro cũng làm đi làm lại công việc của ông hàng ngày trong suốt 70 năm, điều đó giúp cho ông hiểu rõ tất cả mọi điều về thế giới sushi. Sự sáng tạo của ông cũng chỉ tập trung trong ngành hẹp là sushi thay vì đi theo chiều rộng, ông đã đưa món sushi của mình thành một môn nghệ thuật đầy hấp dẫn.
Sự hy sinh
Khi các bạn quyết định chọn kịch bản cho cuộc đời mình là “làm công việc mình yêu thích” thì cần chú ý rằng, kịch bản này có chi phí rất cao đặc biệt là trong thời gian đầu. Một khi bạn chọn con đường này thì phải sẳn sàng trả học phí cho việc nhập học. Vì có thể bạn phải làm việc nhiều giờ hơn và kiếm được ít tiền hơn so với những người xung quanh.
Jiro đã phải chấp nhận xa gia đình, xa những đứa con đang lớn của mình để tập trung toàn bộ thời gian vào công việc học hỏi và sản xuất sushi. Có lúc ông phải chống chọi lại với sự đói nghèo. Những đứa trẻ của ông phải tiết kiệm hàng tháng trời mới đủ tiền mua được một lon cocacola.
Cuộc sống của Jiro hôm nay lại khác, ông trở thành giàu có và nổi tiếng với chính niềm đam mê của mình. Mối quan hệ cha con ngày càng thân thiết khi hai con trai của ông quyết định nối nghiệp sushi của cha. Ông kiên trì lót những viên đá thành con đường thành công từ chính cái bếp sushi nhỏ của mình.
Jiro đã thấy được ước mơ của ông không thể thực hiện được qua những giải pháp nhanh chóng, mà là một sự khổ luyện thậm chí đôi khi là đau đớn để hoàn thành. Khi bạn kết hôn với công việc, sống với nó, phần thưởng bạn nhận được luôn luôn xứng đáng.
Shibusawa Eiichi: Nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật Bản
Hơn 100 năm phát triển kinh tế, Nhật Bản đã sản sinh ra nhiều nhà doanh nghiệp vĩ đại. Nói đúng hơn, không có họ thì Nhật không có một nền công nghiệp hiện đại như ngày nay. Những người sáng lập Toyota, Honda, Sony, Matsushita, Canon, v.v.. đều là những nhà doanh nghiệp được người Nhật truyền tụng mãi với lòng tự hào. Nhưng vượt lên trên tất cả những người nầy có lẽ là Shibusawa Eiichi (1840-1931). Ông hội tụ tất cả mọi đức tính, mọi tố chất của một nhà lãnh đạo. Và hơn thế nữa, sống trong buổi giao thời của hai chế độ, sống trong giai đoạn đất nước đứng trước nguy cơ bị Tây phương xâm chiếm, thái độ và hành động của một kẻ sĩ thức thời ở ông đã góp phần quyết định vào sự thành công của Minh Trị duy tân. Rồi đạo đức trong kinh doanh. Như ta sẽ thấy dưới đây, cổ kim Đông Tây có ai hơn Shibusawa? Câu chuyện Shibusawa còn đáng kể mãi là vì nó phản ảnh một tấm gương sáng của người lãnh đạo chính trị trong chế độ mới vì lợi ích quốc gia đã cầu hiền từ những người của chế độ cũ. Nếu không thì tài năng của Shibusawa đã bị mai một và có thể người Nhật đã không có một đất nước như ngày nay.
Sinh ra vào giai đoạn cuối của thời đại Edo trong một gia đình trồng dâu nuôi tằm tại Saitama, một tỉnh giáp Edo (tên cũ của Tokyo) về phía bắc, Shibusawa lúc nhỏ đã rất thông minh, ham học. Ông được Tokugawa Yoshinobu, tướng quân cuối cùng của thời Edo, tuyển vào cung để dạy cho công tử học. Sau công tử của tướng quân được gửi sang Pháp du học và Shibusawa cũng được gửi theo để dạy kèm. Trong lúc ở Pháp, Shibusawa khám phá nhiều điều mới lạ của một xã hội tiến tiến. Đặc biệt ông quan tâm đến tổ chức và hoạt động của công ty, của hệ thống ngân hàng. Thế rồi ông vừa dạy kèm công tử vừa vùi đầu vào việc nghiên cứu, ghi chép các vấn đề nầy.
Khi Shibusawa về nước (1868) thì chế độ tướng quân đã suỵ đổ, thay vào đó là chính quyền mới được lập ra chung quanh Minh Trị Thiên hoàng và tướng quân cuối cùng đã về ở ẩn tại Shizuoka, một tỉnh ở vùng núi Phú sĩ. Shibusawa cũng theo chủ về ở Shizuoka. Về ở ẩn nhưng ông vẫn băn khoăn về vận mệnh đất nước, nhất là ông nghiên cứu và tập hợp tư liệu về việc xây dựng và tổ chức một nền kinh tế tiên tiến nhưng bây giờ lại không được thi thố tài năng. Ông suy nghĩ nhiều về phương cách truyền bá sự hiểu biết của mình mong góp phần biến cải xã hội. Ông bèn lập ra Sở giảng dạy thương pháp (luật về thương mại) tại nơi ở của mình với mong muốn giúp những doanh nhân vừa ra đời trong thời đại mới hiểu biết về cách tổ chức công ty hiện đại.
Cùng lúc đó, chính quyền Minh Trị đương bắt tay vào việc xây dựng đất nước dưới các khẩu hiệu “phú quốc cường binh”, “quyết theo kịp phương Tây”, v.v.. và nhận ra rằng họ đương thiếu một chuyên gia am hiểu các vấn đề tài chánh, ngân hàng,... Họ chuẩn bị gửi người đi du học nhưng được thông tin về Shibusawa, họ đã quyết định mời ông tham gia chính quyền và cho giữ ngay một chức vụ quan trọng trong Bộ Tài chánh. Với cương vị và uy tín nầy, Shibusawa đã thi thố được hết tài năng của mình. Năm 1872, ông thiết lập hệ thống ngân hàng hiện đại và lập ngân hàng tiên tiến, kiểu mẫu sau đó trở thành điển hình cho một loạt các ngân hàng công và tư hình thành trong giai đoạn 1877-1880. Trong các thập niên 1880 và 1890, Shibusawa còn lập ra hàng chục công ty hiện đại trong các lãnh vực kéo sợi, dệt vải, đóng tầu, hàng hải, bảo hiểm, đường sắt, v.v.. Rất nhiều công ty hàng đầu của Nhật hiện nay thuộc nhiều lãnh vực khác nhau đã bắt nguồn từ công lao xây dựng của Shibusawa. Để nâng cao địa vị của giới doanh nhân, ông còn khởi xướng lập Phòng thương mại Nhật Bản và nhiều đoàn thể kinh tế khác. Thật không ngoa khi có nhiều nhà phân tích đã gọi Shibusawa là ông tổ của chủ nghĩa tư bản Nhật Bản.
Shibusawa còn là một trong những người đầu tiên hô hào đạo đức trong kinh doanh, chủ trương nhà kinh doanh phải là người yêu nước và có hoài bão đem năng lực cải tiến xã hội, góp phần vào việc xây dựng đất nước và làm cho đồng bào minh được no ấm. Những công ty ông lập ra sau khi hoạt động đã lên quỹ đạo, ông rút lui nhường lại cho người trẻ để có thì giờ lập nhưng công ty khác hoặc làm những việc khác vì ông thấy trong một đất nước non trẻ còn quá nhiều lãnh vực cần ông phát huy năng lực. Ông có trên dưới 10 người con nhưng không hề áp đặt những công ty, những tổ chức do ông sáng lập phải nhận con ông vào trong ban lãnh đạo. Ông chủ truơng con cháu ông phải tự lập, tự mình học hỏi, trau dồi và nếu xứng đáng thì xã hội sẽ trọng dụng.
Shibusawa bỏ công sức cho giáo dục và làm từ thiện. Ông đã tham gia sáng lập nhiều truờng đại học, kêu gọi đóng góp vô vị lợi từ các công ty. Đại học tôi học ngày xưa đã bắt đầu bằng một cơ sở giáo dục do Shibisawa sáng lập thời đầu Minh Trị.
Tên tuổi của Shibusawa Eiichi được truyền tụng mãi ở Nhật Bản, chiếm một vị trí lớn trong sách giáo khoa cho học sinh các cấp. Ông là một trong những nhân vật lãnh đạo vĩ đại của thời Minh Trị và có thể nói ông là nhà doanh nghiệp vĩ đại nhất của Nhật xét từ mọi phương diện tài năng, đức độ, và mức độ ảnh hưởng đến quá trình đưa nước Nhật thành một cường quốc kinh tế.
------ Trần Văn Thọ, giáo sư Đại học Waseda, Tokyo (Tokyo, đầu Xuân 2005)-------
Nếu như nước Mỹ có một Bill Gates thì nước Nhật cũng có thiên tài kinh doanh tin học của họ. Đó là Masayoshi Son, người sáng lập và đồng thời là Tổng giám đốc điều hành của Softbank, tập đoàn tin học lớn nhất của Nhật Bản.
Masayoshin Son được so sánh với Bill Gates của Mỹ.
Masayoshi Son không chỉ là nhà tỉ phú giàu nhất, mà còn được coi là doanh nhân Nhật Bản vĩ đại nhất về máy tính. Với rất nhiều phi vụ kinh doanh nổi đình nổi đám, Masayoshi Son được biết đến là nhà kinh doanh có biệt tài bất chợt nhìn thấy cơ hội kinh doanh lớn mà người khác không nhận ra.
Đã có thời kỳ, chính xác là thời điểm hoàng kim của cơn sốt dot.com, trên toàn thế giới, tài sản của Masayoshin Son tại Softbank và các công ty phần mềm được định giá tới 76 tỉ USD. Khi đó Masayoshin Son là người giàu nhất thế giới chứ không phải Bill Gates.
Masayoshin Son được coi là người tiên phong đã phổ cập Internet cho toàn nước Nhật. Những công nghệ tiên tiến nhất về đường truyền tốc độ cao, áp dụng băng thông rộng mà Masayoshin Son thực hiện đã giúp cho nước Nhật có những bước tiến ngoạn mục trong việc sử dụng Internet.
Xuất thân là con một gia đình thiểu số
Softbank là công ty tin học bắt đầu từ kinh doanh phần mềm, máy dịch ngôn ngữ điện tử, tạp chí tin học rồi Internet. Thời kỳ cuối những năm 90, tập đoàn này được định giá trên 100 tỉ USD trên thị trường chứng khoán.
Masayoshin cũng như Softbank nổi tiếng còn vì tập đoàn này tham gia hùn góp vốn với rất nhiều tập đoàn tin học khác như với Microsoft, Yahoo, Novell, CyberCash, Comdex, ZiffDavis. Nhiều công ty Nhật Bản thường không muốn công khai các dự án liên doanh, hùn góp vốn của mình nhưng Masayoshin Son và Softbank thì ngược lại.
Masayoshin Son luôn tự hào công bố Softbank của mình là số 1 trong lĩnh vực liên doanh đầu tư với các đối tác khác trong ngành. Mới đây nhất, Soft bank đã làm tốn bao nhiêu giấy mực của giới truyền thông về việc bỏ ra tới 12,8 tỉ Euro, tương đương với 15,5 tỉ USD để mua toàn bộ hệ thống kinh doanh của Vodafone tại Nhật Bản.
Với phi vụ trên, tập đoàn Softbank đã trở thành nhà cung cấp điện thoại di động lớn thứ ba tại Nhật Bản sau tập đoàn NTT và KDDI.
Masayoshin ngày nay được tôn vinh là một trong những nhà doanh nghiệp tài ba nhất của thời kỳ Internet. Để đạt điều đó, ông đã phải nỗ lực không ngừng và trên hết phải vượt qua chính mình. Đó là mặc cảm của một bộ phận người thiểu số sống trên đất Nhật.
Mặc dù sinh ra ở Nhật từ năm 1957, có quốc tịch Nhật nhưng Masayoshin Son thực ra là người Hàn Quốc. Bố mẹ Masayoshin Son sang định cư ở một vùng phía Nam nước Nhật. Cùng với bộ phận người Hàn Quốc sống ở đây, gia đình Masayoshin Son luôn bị coi là một dân tộc thiểu số Nhật.
Bố mẹ của ông không có điều kiện học hành để đi làm cho các công ty lớn của Nhật. Hai ông bà cùng cậu con trai Masayoshin Son phải rất vất vả, vật lộn với cuộc sống cũng như để giành được sự thừa nhận trong xã hội ở Nhật. Về sau, bố mẹ Masayoshin Son có tiền để mở một casino nho nhỏ, đủ để sống được trên đất Nhật đắt đỏ.
Sinh ra và lớn lên trong môi trường như vậy nên ông thường có mặc cảm tự ti. Ông luôn nghĩ rằng mình là gốc người nước ngoài khó mà ngóc đầu lên được. Học hết phổ thông, Masayoshin Son nằng nặc thuyết phục bố mẹ mọi cách để được sang Mỹ học tiếng Anh. Học xong, Masayoshin Son lại quyết định theo học đại học ở Mỹ. Bố mẹ dù không muốn nhưng cũng không thể cản nổi cậu con trai rất bướng bỉnh và dù gì thì Masayoshin Son lúc đó cũng đang ở trên đất Mỹ rồi.
Vượt qua mặc cảm để đến với thế giới tin học
Ông học khoa kinh tế trường Đại học tổng hợp Berkeley. Càng sống lâu trên đất Mỹ, Masayoshin Son càng như có vẻ không muốn trở về Nhật. Chính Masayoshin Son sau này thừa nhận cuộc sống và cách sống của Mỹ như đã giải phóng ông rất nhiều khỏi mặc cảm tự ti của một người thiểu số.
Sống ở Mỹ nhiều, ông thấy ở đây cơ hội thành đạt và được thừa nhận của những người thiểu số rất lớn, bất kể họ có nguồn gốc từ đâu, màu da gì. Đặc biệt ở vùng phía Tây, bang California, tỉ lệ người gốc châu Á thành đạt rất nhiều. Ông trở nên rất tự tin vào khả năng của mình.
Với năng khiếu nhất định về tin học, ông đã tìm cách kinh doanh ở lĩnh vực này ngay từ khi còn là sinh viên. Masayoshin Son kể lại rằng ông lần đầu tiên biết đến khái niệm computer khi tình cờ cậu sinh viên trẻ Masayoshin nhìn thấy bức ảnh của một cái chip của computer.
Bức ảnh in bảy sắc cầu vồng đã gây ấn tượng quá mạnh tới Masayoshin Son và ông luôn để dưới gối ngủ của mình. Say mê với máy tính, Masayoshin Son đã tìm ra "lỗ hổng thị trường" đầu tiên là làm sao có được những chiếc máy tính cá nhân có thể dịch thuật từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ kia.
Là người nước ngoài sống ở Mỹ nên Masayoshin Son lại càng hiểu nhu cầu đó. Ông miệt mài viết phần mềm cho chương trình dịch thuật. Chương trình phần mềm này của Masayoshin Son bán cho hãng điện tử Sharp. Sau đó, Sharp đặt hàng tiếp cho Masayoshin Son nâng cấp hoàn thiện chương trình phần mềm này. Và anh chàng sinh viên châu Á tài năng Masayoshin Son đã có được một khoản tiền lên tới cả triệu USD.
Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, năm 1981, Masayoshin Son thành lập công ty Softbank. Công ty được thành lập trên đất Mỹ nhưng ngay từ bấy giờ, ông đã nghĩ đến việc quay trở về Nhật kinh doanh. Hiện nay, công ty Softbank là công ty kinh doanh phần mềm lớn nhất của Nhật. Công ty có hơn 1.000 nhân viên ở Nhật và hơn 500 nhân viên ở Mỹ.
Tiên phong khai phá thị trường Internet
Sự phát triển nhanh nhóng của Softbank cũng như sự giàu có đột biến của ông chủ Masayoshin Son bắt đầu từ lĩnh vực kinh doanh Internet. Khi dịch vụ Internet ở Mỹ trở nên rất phát triển nhờ sự cạnh tranh cao, giá thành hạ thì ở Nhật Bản điều này vẫn chưa xảy ra.
Masayoshin đã nhận thấy ngay rằng phí Internet ở Nhật vẫn còn quá cao, công nghệ Internet băng thông rộng chưa phổ biến. Vì vậy, Masayoshin Son đã quyết định về Nhật để đầu tư lĩnh vực này.
Masayoshin Son cất công tới trung tâm công nghệ cao về tin học ở thung lũng Silicon để tìm các đối tác thích hợp. Một quyết định vô cùng nhạy bén của Masayoshin Son là năm 1996, ông đã bỏ ra 100 nghìn USD để mua lại quyền được sử dụng hệ thống Yahoo tại Nhật Bản. Ông bắt đầu hệ thống kinh doanh Internet của mình chỉ với 17 nhân viên.
Sự xuất hiện của hệ thống Yahoo trên đất Nhật do Masayoshin Son khởi xướng như đã thổi một luồng gió mới vào thị trường Internet nước này. Tập đoàn NTT Docomo trước kia gần như độc quyền một mình một chợ nay đã gặp phải đối thủ xứng đáng.
Masayoshin Son đầu tư phát triển Internet băng thông rộng. Tốc độ Internet rất nhanh đã khiến cả nước Nhật chỉ trong một thời gian ngắn sôi sục mở tài khoản sử dụng Internet. Và Masayoshin Son đã nhanh chóng chiếm tới 1/3 thị phần với hàng triệu thuê bao.
Mặc dù mới xuất hiện, thời gian đầu lại phải rất tốn kém thuê đường truyền của các công ty khác nhưng Masayoshin Son đã nhanh chóng thu được khách hàng nhờ tiện ích và nhất là sự phong phú của các dịch vụ. Đặc biệt, qua Internet tốc độ cao do ông phục vụ, khách hàng có thể sử dụng điện thoại giá rẻ. Và đây chính là một chiêu độc để Masayoshin Son cạnh tranh với các đối thủ của mình trên thị trường viễn thông vô cùng hấp dẫn.
Đội ngũ kỹ sư tài ba của Masayoshin Son đã phát minh ra loại modem riêng dùng cho băng thông rộng. Chính nhờ modem này mà khách hàng của Softbank có thể được tiếp cận với hàng trăm kênh truyền hình kỹ thuật số, hay các kênh video chất lượng cao. Masayoshin Son còn trở thành người đi đầu trong việc khai thác kinh doanh trong lĩnh vực giải trí bằng các phương tiện công nghệ cao.
Tham vọng ảnh hưởng đến cả thế giới
Không thể không kể đến các hoạt động marketing bài bản và thường xuyên của Masayoshin Son. Để quảng cáo, Masayoshin Son không chỉ dùng những tờ rơi hay băng rôn mà còn có những chiến dịch tặng khách hàng modem băng thông rộng, thực hiện dịch vụ lắp đặt miễn phí.
Chỉ hơn 3 năm sau, từ 100.000 USD đầu tư ban đầu, Yahoo tại Nhật Bản đã được lên giá tới 14 tỉ USD ở thời kỳ đỉnh cao của thời kinh tế dot.com vào năm cuối cùng của thế kỷ 20.
Masayoshin Son từ một người thiểu số mặc cảm và tự ti ở Nhật đã trở thành một tỉ phú đầy tham vọng. Đã có không ít người Nhật Bản so sánh ông với Bill Gates của Mỹ. Và bản thân chính ông thấy mình cũng có thể nổi tiếng được như Bill Gates, cả về sự giàu có lẫn ảnh hưởng của ông với thế giới.
Từ kinh nghiệm khi đầu tư với Yahoo, cùng với tham vọng vô cùng lớn lao, dần dần Masayoshin Son hình thành triết lí kinh doanh của riêng ông là phải tìm cách ảnh hưởng tới càng nhiều công ty càng tốt. Masayoshin vì thế đã trở thành nhà đầu tư cho rất nhiều công ty, tập đoàn khác.
Ông còn được coi là "bà đỡ" của nhiều công ty tin học khi mới ra đời. Tập đoàn alibaba.com của tỉ phú Trung Quốc mới nổi Jack Ma là một ví dụ tiêu biểu khi Masayoshin Son đã mạnh dạn đầu tư 20 triệu USD cho Ma thành lập công ty. Masayoshin Son đã tham gia góp vốn vào 500 công ty tin học và công nghệ cao.
Sự đầu tư rất nhiều vào một lĩnh vực kinh tế tri thức đã là thời điểm đưa Masayoshin Son lên "mây xanh" với tài sản được định giá 76 tỉ USD. Khi nền kinh tế dot.com sụp đổ thì Masayoshin Son đã bị thiệt hại nặng nề. Tài sản của Masayoshin Son đã giảm nhiều và "chỉ còn" chưa đến 10 tỉ USD. Mặc dù vậy, Masayoshin Son vẫn rất tự hào mình là nhà đầu tư số 1 vào lĩnh vực công nghệ cao.
Masayoshin Son là con người đầu tư khá mạo hiểm nhưng ông vẫn không bao giờ từ bỏ các tham vọng của mình. Cuối năm 2004, Masayoshin Son đã bỏ ra nhiều tỉ để mua lại cổ phần công ty Telecom Nhật Bản đang kiểm soát hệ thống điện thoại cố định. Chỉ ít lâu sau, nhằm chi phối mạng điện thoại di động, ông đã bỏ ra gần 15 tỉ USD để đầu tư.
Hiện nay Softbank là cổ đông lớn của 4 trong số 12 công ty kinh doanh Internet lớn nhất thế giới. Với 2 đại gia trong đó là GeoCities và ZDNet, thông qua Softbank, Masayoshin Son sở hữu tới 30% cổ phần. Sau khi mua lại Công ty Vodafone Nhật Bản, Masayoshin Son đã có ngay được trên 15 triệu thuê bao cùng hệ thống cơ sở hạ tầng của mạng lưới điện thoại di động. Và nhà tỉ phú Masayoshin Son đầy tham vọng đã không ngần ngại công bố chiến lược phát triển và mục tiêu trở thành số1 trong lĩnh vực điện thoại di động.
Đây là trang Blog trao đổi, cập nhật liên tục thông tin Việt Nam và Nhật Bản hàng ngày. Rất mong sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn nữa đến các bạn có nhu cầu tìm hiểu về Nhật Bản, đồng thời cũng mong nhận được nhiều bài viết và những chia sẽ của các bạn để trang Bolg ngày càng phong phú hơn.