Classic Lolita là mẫu thời trang Lolita "thuần" nhất trong các loại Lolita. Mặc đồ phong cách này bạn có thể dễ dàng đến dự một buổi tiệc ngoài trời hoặc sử dụng nó như một bộ váy mùa hè.Khác với các loại Lolita khác luôn chủ trương biến mình thành một cô búp bê diêm dúa dễ thương, Classic Lolita theo xu hướng sang trọng và lấy cảm hứng nhiều từ phục trang thời Victorian, thể hiện phong cách trang nhã của thời đại, nên những hoạ tiết hoa và những màu nhạt rất được chuộng. Classical loli ko có nhiều đăng ten hoặc các họa tiết trẻ con.
Có nhiều dạng Classic Lolita, đa phần đều đơn giản hơn các thể loại Lolita khác. Phổ biến nhất là loại kết hợp váy Alice với áo blouse hoặc áo blouse và chân váy.Khác những phong cách Loli khác, váy Classical Lolita thường có dạng váy chữ A chứ không phải váy phồng hình chuông.Phong cách trang điểm cũng thường nhạt và tự nhiên nhưng tuỳ theo từng trường hợp và từng loại trang phục thì những kiểu trang điểm đậm nhưng mềm mại khác cũng vẫn thích hợp
Giống như với các phong cách Loli khác, đồ Gothic Loli thường có những đặc điểm sau: Váy cạp eo và váy lót tạo độ phồng. Một bộ trang phục Gothic Loli thường sử dụng những màu tối, và cả những màu tương phản như đen - trắng,đôi khi xen chút đỏ hoặc tím tùy theo ý thích người măc.Đặc biệt,các gothic lolita-chan luôn đeo đầy các loại vòng cổ,lắc tay.Hầu hết đều là đồ "độc" do họ tự chế.
Phong cách make up được dùng trong Gothic Loli rất đa dạng: từ cách trang điểm nhẹ nhàng làm nổi bật nét trên gương mặt cho đến cách trang điểm mắt màu khói đậm và làn môi đỏ sẫm, điều này tuỳ vào trang phục và các dịp. Nhiều người mới thường nhầm lẫn rằng cứ trang điểm gương mặt trắng bệch và môi đen sẫm thì được gọi là Gothic Loli, đây là sai lầm cơ bản, vì cách trang điểm này phá hỏng sự điềm đạm và trang nhã vốn là điều mà phong cách Lolita muốn thể hiện.
Thời trang Lolita được định nghĩa như là một phong cách đường phố xuất phát từ Nhật, nhưng lại chịu sự ảnh hưởng của phong cách thời trang từ thời nữ hoàng Victoria ở Anh vào thế kỉ 17, và được trang trí bằng những hoa văn tinh xảo theo phong cách Rococo của thế kỉ thứ 18.
Đó là những chiếc váy dài đến đầu gối mặc cùng vớ cao; những chiếc đầm phồng như bánh cupcake được độn nhiều lớp vải bên trong; ren, áo corset , giày cưỡi ngựa, dù và những chiếc nón vải cột ngang đầu của những cô hầu phòng là những phụ kiện không thể thiếu để làm nên phong cách Lolita.
Ngày nay thời trang Lolita nói riêng đã phổ biến trên toàn thế giới cũng như phong cách thời trang đường phố Nhật Bản nói chung. Phong cách xuyên suốt thong thời trang Lolita là cảm hứng hoài cổ, gợi nhớ những điều đã cũ.
Lolita nghĩa là thanh lịch và tao nhã, không phải là khoác lên mình hàng đống những thứ đồ diêm dúa, ngược lại chẳng biết gì về nó cả. và Lolita cũng không sinh ra để thu hút sự chú ý hay là thể hiện cá tính rằng mình đặc biệt hơn người khác cả.
Thời trang Lolita không hướng đến sự gợi cảm mà nó muốn khôi phục lại một nền văn hóa “thanh lịch và trang nhã” của các quý cô thời xưa, thể hiện ở những chất liệu và đường may cẩn thận trong những bộ quần áo cũng như ở phong thái của những Lolita-chan khoác lên mình những bộ váy Lolita.
Thời trang Lolita tại Nhật Bản tương đối giống với những mẫu quần áo thời kỳ Victoria của Anh, nhưng mang một nét đặc trưng, thú vị hơn, bởi nó có dáng dấp của “vẻ dễ thương” thay vì trang trọng, quý phái như các bộ trang phục châu Âu.
Trang phục Lolita Nhật Bản chú trọng cầu kỳ tới từng đường nét, hơi diêm dúa, váy thường dài đến đầu gối, và được mặc cùng khung váy để tạo độ phồng. Phụ kiện dành cho những Lolita là chiếc mũ nhỏ đội đầu, băng đô bằng ren đeo lệch sang 1 bên, trang sức như vòng cổ, vong tay, nhẫn, khuyên tai…Những chiếc ô nhỏ, gấu bông và tóc giả cũng làm người ta nhận ra ngay những Lolita.
Lolita đã từng xuất hiện rất nhiều trong các Manga Nhật Bản như Kamikaze Girls, Cardcaptor Sakura, Paradise Kiss, Le Portrait de Petit Cossette, X-Day, Sister Princess, Sailor Moon, Rozen Maiden, Princess Princess, Tsukuyomi – Moon Phase, Othello, Chobits…, thậm chí, có những tạp chí chỉ chuyên viết vể Lolita như Gothic & Lolita Bible, KERA & KERAMANIAX…
Hàng trăm người cùng một động tác, đều tăm tắp. Náo nhiệt, vui nhộn. Đó là mùa hè Nhật Bản cuốn hút trong điệu múa Yosakoi.
Yosakoi theo tiếng địa phương của vùng Kochi nghĩa là “Đêm này mời bạn đến!”. Điệu múa được khởi nguồn từ thành phố Kochi (Nhật Bản) năm 1954 và ngày càng phát triển trên khắp nước Nhật. Đây là điệu múa tập thể cho các nhóm không quá 150 người, xuất phát từ một điệu múa truyền thống về mùa hè Awa Odori của Nhật, vừa nhảy múa vừa tiến lên phía trước.
Mỗi đội múa Yosakoi được dẫn đầu bởi Jikatasha - một xe chở nhạc gồm có loa, trống và một vài người điều khiển chính. Jikatasha được trang trí rất bắt mắt, theo phong cách riêng của từng đội. Các đội có thể dùng nhạc ghi sẵn hoặc cả một ban nhạc sống trên Jikatasha với các bản nhạc nền sôi nổi và mạnh mẽ, được sáng tạo dựa trên bài hát có tên là “Yosakoi Naruko Dancing” của tác giả Takemasa Eisaku.
Mùa hè đến, khắp đất nước Nhật Bản sôi động bởi vũ điệu đường phố này.
Mỗi đội có trang phục riêng với những động tác riêng đầy màu sắc.
Trang phục mặc khi biểu diễn Yosakoi rất phong phú, trong đó loại áo khoác truyền thống happi và áo yukata phối màu rực rỡ được sử dụng nhiều nhất. Các đội múa tự thiết kế trang phục dựa trên các sự kiện lịch sử, theo xu thế thời trang thịnh hành hay theo y phục dân tộc. Đạo cụ không thể thiếu là Naruko, gồm các thanh gỗ màu đen và vàng gắn trên thân gỗ, được thiết kế cho tương xứng với màu sắc và trang phục mà nhóm lựa chọn.
Đến năm 2005, múa Yosakoi đã phổ biến khắp nước Nhật. Thậm chí, nó còn được biểu diễn trong các hội thao của các trường học. Đặc biệt, những người tham gia Yosakoi gồm nhiều độ tuổi khác nhau, cả già lẫn trẻ, không kể nam nữ. Ai cũng có thể tham gia múa Yosakoi. Các vũ công mình khoác áo truyền thống, tay cầm naruko vừa đi vừa múa, động tác đều tăm tắp, khoẻ khoắn.
Nụ cười tươi tắn trên khuôn mặt của những người tham gia biểu diễn là điều không thể thiếu. Cùng hoà mình trong điệu múa sôi động, cùng cười vui với bạn bè sẽ đọng lại trong bạn những kỷ niệm đáng nhớ khó quên.
Vào những ngày hè ở Nhật Bản, có hàng trăm đội đến từ khắp nơi trên Nhật Bản và hợp thành một bữa tiệc nhảy múa tuyệt vời. Lễ hội ở Hokkaido được tổ chức vào tháng 6, lễ hội ở Kochi vào tháng 8, lễ hội ở Tokyo, lễ hội Super Yosakoi “Harajuku Omotesando Genki Matsuri Super Yosakoi” diễn ra vào tháng 8 và lễ hội ở Kyushu, trên đại lộ Sasebo (Nagasaki-ken) vào cuối tháng 10. Lễ hội trở thành những ngày văn hóa truyền thống đặc sắc của người dân Nhật Bản và đã thu hút hàng ngàn du khách đến tham gia cùng hàng năm.
Một mùa hè sôi động lại được bắt đầu bằng những điệu nhảy đường phố rộn ràng.
Lolita Fashion được biết đến tại rất nhiều quốc gia trên thế giới như Anh, Pháp,... Trong đó không thể không kể tới Nhật Bản.
Thời trang Lolita được định nghĩa như là một phong cách thời trang đường phố tại Nhật, chịu sự ảnh hưởng của phong cách thời trang từ thời nữ hoàng Victoria ở Anh vào thế kỉ 17, và được trang trí bằng những hoa văn tinh xảo theo phong cách Rococo của Pháp thế kỉ thứ 18.
Trên thực tế, thời trang Lolita hướng về nét đẹp trẻ thơ trong sáng dễ thương hồn nhiên. Thời trang Lolita không hướng đến sự gợi cảm mà nó muốn khôi phục lại một nền văn hoá “thanh lịch và trang nhã” của các quý cô thời xưa, thể hiện ở những chất liệu và đường may cẩn thận trong những bộ quần áo, cũng như ở phong thái của những Lolita-chan khoác lên mình những bộ váy Lolita.
Sau đây là một số phong cách nổi bật nhất
Gothic lolita.
Classical lolita.
Casual lolita (lolita thường phục)
Country lolita.
Wa lolita.
Guro lolita.
Erotic lolita.
Sailor lolita.
Hime lolita (Princess Loli)
Sweet lolita.
Kuro lolita
Shiroi Lolita.
Punk lolita.
Kodona lolita.
Elegant Gothic Lolita (EGL)(tao nhã) & Elegant Gothic Aristocrat (EGA) (Quý tộc)
* Lịch sử.
Lúc đầu, Yurei thường khó phân biệt so với hình dạng của nó lúc còn sống. Họ quan niệm rằng Yurei chỉ là một làn khói hay cái gì đó tương tự chứ không mang hình dạng con người. Vì vậy, trước thế kỷ 16, người Nhật chưa chú trọng đến các Yurei. Sau đó vào cuối thế kỷ 17 (khi chiến quốc Nhật kết thúc), kaidan (truyện ma) trở nên phổ biến trong văn học cũng như trên sân khấu ở Nhật, Yurei được gán cho những tính chất tương tự như ta thường thấy trong những truyện hay phim ma ngày nay.
Những nét đặc trưng của Yurei được bắt nguồn từ những nghi lễ thời Edo (1603 – 1868). Người Nhật cho rằng các Yurei thường xuất hiện trong bộ kimono màu trắng được mặc lúc đem đi chôn được gọi là katabira (loại thường) hoặc kyokokatabira (loại tốt, được vết thêm kinh Phật lên vải), thêm vào đó còn có chiếc mũ lúc liệm gọi là hitaikakushi có dạng hình tam giác màu trắng (bạn nào từng xem Ringu thì chắc biết chiếc mũ này )
Vào giữa thế kỷ 18, theo các kaidan nổi tiếng, người ta tin rằng các yurei thường đi hõn đất hoặc không có chân. Maruyama Okyo, một nghệ sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ đã xây dựng hình ảnh một yurei mặc một bộ kimono trắng dài quá chân, lơ lửng trên không hoặc bị treo lủng lẳng trên một sợi dây. Đó là hình dạng gần giống với các yurei ngày hôm nay.
* Yurei ngày nay.
Yurei Sadako trong bộ phim "The Ring" là một điển hình của các yurei ngày nay: Mặc một bộ kimono trắng được chôn lúc chết, tóc rối xoã dài, là hình ảnh được lấy từ ca kịch Kabuki. Sau khi chết, tóc của các yurei được tin là vẫn sẽ dài thêm ra, bàn tay đung đưa vô hồn, thường không có chân và bay lơ lửng trên không. Theo người Nhật quan niệm, chân là thứ giúp ta liên hệ với những gì tồn tại ở dương thế, hình ảnh các yurei không có chân chính là biểu hiện cho sự trống trải, thất vọng của yurei lúc còn sống. Các yurei thường chỉ xuất hiện vào ban đêm, khoảng từ hai giờ đến ba giờ sáng, là giờ mà người Nhật cho rằng khoảng cách giữa trần gian và cõi âm là ngắn nhất. (Lưu ý nhắc nhở cho những ai hay đi chơi đêm về nhớ chú ý nghen! ). Các yurei thường ít đi lang thang, chúng chỉ quanh quẩn ở những nơi mình bị chết hoặc là nơi có chứa thân xác của mình. Cũng có thể các yurei thường quanh quẩn nơi người mình yêu hoặc kẻ đã hạ sát mình. Các yurei vẫn sẽ ám ảnh ở đó cho đến khi nào mọi vấn đề của chúng được giải quyết. Lúc đó, các yurei đó sẽ được siêu thoát. Tuy nhiên, có những yurei quá mạnh đến nỗi chúng chuyển thành Onryo, tiếp tục ám ảnh lâu dài người đã giết chúng cho đến khi kẻ sát nhân bị trừng phạt.
Trong những chuyện cổ tích hay truyện tranh, yurei thường đi kèm với những đốm lửa đủ màu (cái này giống với mấy con "ma bà già" trong truyện Đôrêmon quá nhỉ ), những yurei này được gọi là Hitodama.
Ở Nhật, các yurei thường là những người phụ nữ từng chịu đựng một cuộc sống tinh thần đau khổ, thường trở về để trả thù những ai đã gây nên đau khổ cho họ lúc còn sống. Yurei "nam" thường ít đi báo thù hơn so với các yurei nữ. Chúng thường là hồn ma của những chiến binh chết trận không thể siêu thoát. Hình ảnh các yurei nam thường xuất hiện trong kịch Noh của Nhật Bản, chúng thường đi quanh quẩn ở các chiến trường xưa, chờ đợi một người nào đó đi qua để bày tỏ cuộc sống của chúng trước khi chết.
* Các loại yurei.
Tất cả các linh hồn không siêu thoát ở Nhật được gọi là yurei. Trong đó, còn có thể phân biệt ra thành nhiều loại dựa vào cách chúng chết hoặc dựa vào lý do chúng quay lại báo thù.
- Onryo: Loại ma này quay trở về để trả thù cho sự oan ức mà người khác đã gây nên cho nó lúc còn sống.
- Ubume: Hồn của các người mẹ chết vì sinh con hoặc chết khi con còn nhỏ dại. Những linh hồn này thường không có ý thức báo thù, chúng quay lại chỉ đơn giản là để chăm sóc con.
- Goryo: Đây là những hồn ma báo thù thuộc "tầng lớp quý tộc" hoặc là linh hồn của những kẻ "tử vì đạo".
- Funa yurei: Còn gọi là ma nước, là hồn của những người chết đuối.
- Zashiki warashi: Còn gọi là "con ranh con lộn", là hồn của những đứa trẻ, thường trở về và nhập vào bào thai khi người mẹ có thai lần sau.
- Ma chiến binh: Hồn ma của những người chết trận, thường chỉ xuất hiện trong kịch Noh.
- Ma tình nhân: Là hồn ma của một người đàn ông hoặc một người đàn bà đem lòng si mê một người còn sống nên không muốn siêu thoát mà cứ ám mãi người mình yêu. Hậu quả là người đó thường bị tâm thần, luôn khẳng định rằng mình đã có chồng hoặc có vợ, có khi đòi bỏ nhà ra đi để gặp người mình yêu. Người ta khuyên rằng trước khi đi ngủ không nên soi gương quá nhiều để tránh bị loại ma này "phát hiện".
* Trừ tà.
Cách tốt nhất để giúp một yurei siêu thoát là giúp nó giải được nỗi oan hoặc tìm lại thân xác đã thất lạc cho nó. Vấn đề này thường được người thân trong gia đình giải quyết.
Tuy nhiên, để giúp một Onryo siêu thoát không phải là dễ vì loại ma báo thù này có cảm xúc rất mạnh. Để giúp các Onryo siêu thoát, người Nhật thường đến chùa và cầu xin các tu sĩ tẩy trừ.
Ở Nhật, họ quan niệm rằng các yurei thường sợ "ofuda", là một loại bùa được các tu sĩ Shinto viết nên có chứa tên của một vị thần (kami). Loại ofuda này thường được gắn trên các lối vào để tránh sự xâm nhập của các yurei
Yukata là một loại kimono mùa hè, một loại trang phục truyền thống của Nhật Bản. Trong khi Kimono chỉ được mặc vào các dịp quan trọng, các ngày lễ tết thì yukata được sử dụng phổ biến trong đời sống hàng ngày. Các quán trọ, khách sạn sử dụng yukata làm đồ ngủ cho khách đến nghỉ còn trong tiết thu hè thì bạn có thể thấy nhà nhà diện yukata, người người mặc yukata trong các hoạt động thường nhật của mình.
Do vậy mà từ hàng thế kỷ nay, yukata đã trở thành một loại y phục gắn liền với mùa hè và trở thành một trong những biểu tượng mùa hè của người Nhật.
Về cơ bản thì yukata giống với kimono song chất liệu và cả cách mặc của yukata đơn giản hơn rất nhiều. Obi, chiếc thắt lưng được xem là điểm nhấn cho một bộ yukata sẽ tạo thêm vẻ duyên dáng cho các bạn nữ với nhiều cách thắt hình chiếc nơ xinh xắn trong khi các bạn nam trông vẫn rất lịch thiệp với màu sắc trang nhã của các bộ yukata dành cho họ.
Vào những ngày đầu tháng năm, trên những vùng quê Nhật Bản bạn sẽ bắt gặp hình ảnh những chú cá chép màu sắc sặc sỡ đang bơi lội trên bầu trời xanh. Và nếu có dịp đi đến thăm những gia đình có bé trai, bạn sẽ được ngắm nhìn những bộ áo giáo, mũ của các samurai, hay những hình nộm samurai được trang trí trong phòng khách.
Tất cả những điều này là một trong những nghi thức cầu chúc cho sự trưởng thành của những chú bé trai ở những gia đình người Nhật Bản.
Ở Nhật Bản, có tất cả 5 ngày quan trọng nhằm đánh dấu sự thay đổi của thời điểm chuyển mùa trong năm. Ngày 5 tháng 5 là một trong những ngày quan trọng đó (tết đoan ngọ), là ngày báo hiệu cho một mùa xuân, mùa cây xanh đâm chồi nảy lộc, mùa sinh trưởng của tất cả mọi loài, đồng thời cũng là giai đoạn dễ phát sinh dịch bệnh, dễ đau ốm do chuyển tiết, chuyển mùa. Bắt nguồn từ những phong tục, nghi lễ được tiến hành trong dịp lễ tết Đoan ngọ của Trung Quốc, gia đình Nhật hoàng và giới quý tộc triều đình cũng tổ chức việc phân phát lá thuốc phòng bệnh, hay tổ chức những buổi lễ phi ngựa bắn cung nhằm phòng trừ tà ma ác quỷ.
Đến thời Kamakura (1185-1333: bất đầu thời kì Samurai), các tập tục này được các gia đình Samurai thay đổi bằng việc treo những lá cờ (Nobori), mũ giáp (Kabuto), hay những vũ khí chiến đấu trước cổng và hàng rào nhà mình. Còn với người dân thường thì thay thế bằng những mũ giáp và hình nộm Samurai to lớn, dũng mãnh được làm từ giấy. Dần dần, các hình nộm này được thu nhỏ lại và được trang trí phía trong nhà, và mang hình ảnh của những nhân vật lịch sử như anh hùng Benkei,Yoshitsune dũng mãnh, nhằm cầu mong sự che chở ,bảo vệ mọi người trong gia đình khỏi những tại họa, bệnh tật. Đây chính là tập tục Gogatsu Ningyo
Cho đến thời Edo, việc chính phủ Nhật quy định đây là ngày lễ quan trọng trong năm càng làm cho phong tục này lang rộng trong dân gian. Có một điều khác biệt ở đây là ở các gia đình dân thường vì không có cờ để treo như các gia đình Samurai, thay vào đó là những Koinobori(cờ cá chép) rất được yêu thích .
Cờ cá chép bắt nguồn từ chuyện kể về một loại cá chép sống ở sông Hoàng Hà (Trung Quốc) vượt dốc bơi lên thượng nguồn. Do vậy người xưa cho rằng đây là loài cá xuất thế, làm biểu tượng cầu mong cho những đứa trẻ trong nhà sau này lớn lên có thể tự thân lập nghiệp, thành công trên đường đời.
Nếu bạn chú ý hơn nữa sẽ thấy cờ cá chép có ba màu sắc: đen, đỏ, xanh biểu hiện cho người cha, người mẹ và trẻ con. Chúng ta thử so sánh xem có đúng như vậy không? Theo thuyết ngũ sắc thì màu đen biểu hiện cho nước vào mùa đông .
Mùa đông là mùa vạn vật đều tĩnh lặng, ít hoạt động .
Người cha theo quan điểm của người xưa là người phải trầm tính. Còn nước là nơi bắt nguồn của mọi sự sống.
Màu đỏ là màu của lửa vào mùa hạ .
Lửa làm cho vạn vật sinh trưởng dồi dào, cũng là biểu hiện cho trí tuệ. Mùa hạ là mùa sinh sôi nảy nở của muôn loài. Nên có thể nói là biểu trưng cho hình ảnh người mẹ .
Còn màu xanh là màu biểu hiện cho cây vào mùa xuân, mùa cây cối đâm chồi nảy lộc, vương thẳng. Là biểu hiện cho lớn lên của đứa trẻ.
Như vậy, ba chú cá chép biểu hiện cho sự an định và cung cấp nguồn sống, trí tuệ và nuôi dưỡng, sự trưởng thành và phồn vinh, là những yếu tố không thể thiếu được trong một gia đình đầm ấm, làm cơ sở cho sự trưởng thành hài hòa của những đứa trẻ .
Gần đây, do các gia đình sống trong thành phố, vì không có sân vườn để có thể treo cờ cá chép, nên cờ cá chép cũng được thu nhỏ lại để có thể treo ở ban công, cửa sổ trong nhà. Đồng thời, bên cạnh cờ cá chép còn có chong chóng, các sợi dây đủ màu sắc cũng được treo cùng, bay phất phơi trong gió, trong thật là thú vị.
Và một yếu tố nữa trong ngày này là người Nhật thường ăn bánh Chimaki, một dạng bánh trưng ở Trung Quốc, bánh tro ở Việt nam. Việc này bắt nguồn từ câu chuyện Khuất Nguyên - nhà thơ, một vị trung thần - do can ngăn vua Hoài Vương không được, đã uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn. Hôm ấy đúng là mùng Năm tháng Năm. Thương tiếc người trung nghĩa, mỗi năm cứ đến ngày này, dân Trung Quốc xưa lại làm bánh, quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài (ý làm cho cá sợ, khỏi đớp mất) rồi bơi thuyền ra giữa sông, ném bánh xuống cúng Khuất Nguyên. Ở Việt Nam, ít người biết chuyện Khuất Nguyên, mà chỉ coi mùng Năm tháng Năm là "Tết giết sâu bọ"- vì trong giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh dễ phát sinh. Vào ngày này, dân ta cũng như dân Nhật, có nhiều tục trừ trùng phòng bệnh. Lấy lá ngải cứu (một vị thuốc Nam), năm nào thì kết hình con vật tượng trưng năm đó (năm Thân - kết hình con khỉ và gọi là Hầu Tử, năm Dần - kết hình con cọp và gọi là Ngài Hổ...) treo lên giữa nhà để trừ tà. Về sau, khi có bệnh, lấy lá đó sắc làm thuốc. Lại có tục đi hái lá thuốc mồng năm (ích mẫu, mâm xôi, cối xay, vối) sắc uống vào giờ Ngọ, còn lại để dành nấu uống quanh năm.
Mỗi năm đến gần đầu tháng 5, mọi người Nhật đều náo nức trông chờ vì sẽ được "giải thoát" khỏi cái tập quán lao động quá độ của dân tộc nầy - tức là được nghỉ lễ "dây chuyền" mà họ thường gọi một cách rất hân hoan là "Golden week" hoặc là "Ogata renkyu" (大型連休).
Trên thực chất, tuần GW gồm có:
- Ngày 29 tháng tư: cho đến năm 1988 vốn là ngày "Tennô tanjô bi" (天皇誕生日・sinh nhật của Thiên Hoàng Shôwa), giữa năm 1989-2006 đổi thành ngày "Midori no hi" (みどりの日/lễ xanh hay Greenery day), hiện nay đổi lại là "Shôwa no hi" (昭和の日)
- Ngày 3 tháng năm: ngày "Kenpô kinenbi" (憲法記念日/ngày kỷ niệm Hiến Pháp)
- Ngày 4 tháng năm*: giữa năm 1985 đến 2006 là ngày "Kokumin no kyuujitsu" (国民の休日/ngày nghỉ của công dân), sau đó đổi thành "Midori no hi" (みどりの日/lễ xanh hay Greenery day)
- Ngày 5 tháng năm: ngày "kodomo no hi" (こどもの日/lễ nhi đồng) cũng là "Tango no sekku" (端午の節句/Tết Đoan ngọ)
*Xưa kia ngày 4/5 không có tên nhưng được đặc ra cho ngày đứng giữa 2 ngày lễ. Ngày 1 tháng năm tức "May day" không phải là ngày lễ Lao động chính thức của Nhật Bản.
Tango no sekku ( 端午の節句): lễ hay tết "Đoan ngọ" phát xuất từ Trung Quốc, mỗi năm vào ngày 5 tháng 5 (nay được đổi thành "Kodomo no hi" (子供の日)tức lễ Nhi đồng ở xứ Nhật Bản). "Đoan" có nghĩa là "bắt đầu", "ngọ" là tháng thứ 5 theo lịch củ và cũng đồng âm với “五・ngũ" của tiếng Nhật. Theo âm lịch đây là ngày bắt đầu cho mùa hè. Để chuẩn bị cho việc chống lại nhiều bệnh tật thường xuất hiện trong mùa nầy, cha mẹ có con bé thường làm lễ cầu trời Phật đễ được tráng kiện an lành. Nếu gia đình có con trai, người Nhật thường dựng cây phướng cá "koi" (cá chép) gọi là "koi no bori" trước ngày 5/5 trên sân nhà.
Bên trong nhà, họ cho chưng bày cái tượng chú bé "Kintarô" (金太郎) cưỡi cá "koi" và cái áo giáp hay nón giáp samurai gọi là “yoroi kabuto” (鎧兜) hay "kabuto" (兜, 冑). Ngày xưa bên Trung Quốc người ta có truyền thuyết là cá chép leo thác nước để được thành rồng. Câu chuyện nầy được truyền sang những nước chịu ảnh hưởng của Hán Học như Việt Nam, Triều Tiên và Nhật Bản. Điều này làm cho ta liên tưởng đến cái chí "tang bồng hồ thỉ" của nam-tử Việt Nam hay TQ.
Kintaro là tên của Kintoki lúc còn bé của xứ Sakata, là bộ hạ của Minamoto no Raiko (源頼光 cũng đọc là Minamoto no Yorimitsu) - một samurai nổi danh vào đời Heian. Tục truyền rằng chú bé nầy thường cưỡi trên lưng con "gấu" khi vào rừng chơi với dã thú.
Vào ngày tết Tango, người Nhật làm bánh "mochi" (gạo nếp) gói trong lá "kashiwa" (lá sồi) và lá "ayame" (xương bồ" hay tre như bánh chưng bánh tét của Việt Nam ta, gọi là "kashiwa-mochi" và "chimaki" để cúng và ăn lễ Tết này.
Như trên đã nói, ngày Đoan Ngọ được biết ở nhiều nước Á Đông. Nhưng trên thực chất có nhiều tục lệ dẫn xuất rất khác nhau tùy theo địa lý và lịch sử của mỗi quốc gia. Ở Trung Quốc ngày 5 tháng 5 âm lịch là để tưởng nhớ Khuất Nguyên nước Sở cuối thời Chiến Quốc. Ông là người trung tiết nhưng bị gian thần hãm hại nên phải gieo mình tự vẫn trên con sông Mịch La. Dân chúng thương tiếc ông nên làm bánh nếp quấn chỉ ngũ sắc và ném xuống sông để cá không dám đến ăn xác của người trung nghĩa.
Ở xứ ta, trong Nam mùng 5 tháng 5 là ngày vía bà. Chợ Lách - Bến Tre có tổ chức triển lãm bông-hoa. Còn ngoài Bằc xưa kia là ngày giỗ quốc mẫu Âu Cơ. Ngày 5/5 cũng là ngày giết sâu bọ.
Trẻ con Nhật có bài hát đồng dao " Sei Kurabe (背くらべ) “ (đo chiều cao) rất hay là:
1.
柱のきずは おととしの (Hashira no kizu wa ototoshi no )
Vết (đo) xưa còn trên cột nhà
五月五日の 背くらべ (gogatsu itsuka no Sei-Kurabe)
Năm kia vào ngày 5 tháng 5
粽たべたべ 兄さんが (Chimaki tabe-tabe nii-san ga)
Anh tôi vừa ăn bánh chimaki
計ってくれた 背のたけ (hakatte kureta sei no take)
Đo thân tôi cao chừng ấy
きのうくらべりゃ 何のこと (Kinou kurabe-rya nan no koto)
Sao mà….hôm qua đo lần nữa
やっと羽織の 紐のたけ (yatto haori no himo no take)
Chỉ khác bằng sơi dây khâu (giây cột trên áo Haori)
2.
柱に凭れりゃ すぐ見える (Hashira ni motarerya sugu mieru)
Lướt nhìn xuyên qua cột nhà
遠いお山も 背くらべ (Tooi oyamamo sei-kurabe)
Núi trùng trùng phương xa cũng thế
雲の上まで 顔だして (Kumo no uemade Kao dashite)
Cố vương mình trên mây trắng
てんでに背伸 してゐても (Tende ni senobi shiteite mo)
Thử xem ta cao đến mấy
雪の帽子を ぬいでさへ (Yuki no boshi wo nuide sae)
Dù bõ cái nón "tuyết" trên đầu
一はやつぱり 富士の山 (Ichi wa yappari Fuji no yama)
Phú-Sĩ Sơn vẫn trên hết
~~~~~~~~~~~~
Huỳnh văn Ba biên soạn
* Anh Huỳnh Văn Ba (67, Meisei - Tokyokyouikudai - Todai) không những là một nhiếp ảnh gia trong gia đình Exryu, anh Ba còn là vận động viên về leo núi, xe đạp và nuôi bonsai. Anh Ba và anh Võ Văn Thành (68, Nodai) đã từng dùng xem đạp đi khắp nước Nhật và xuyên lục địa Hoa Kỳ. Qua những lần đi này anh Ba đã có nhiều tác phẩm hình ảnh khắp nơi. Anh H.V. Ba hiện đang làm việc và sinh sống tại Ohio.
Tháng 5 rồi. Ở Nhật có một cái hay là hầu như tháng nào cũng có một lễ hội gì đó để ăn mừng. Xem lại từ đầu năm tới giờ nhé. Tháng 1 thì có ngày Tết. Tháng 2 thì có lễ Tình nhân. Tháng 3 thì có Hina Matsuri, Ngày của các bé gái. Tháng 4 thì có Ohanami. Bây giờ đến tháng 5 lại có ngày gọi là Kodomo-no-hi, Children’s Day, dịch đúng ra là Ngày Thiếu Nhi. Gọi là Ngày Thiếu Nhi, nhưng đối với người Nhật, đây là Ngày của các bé trai. Các bé gái đã có một ngày riêng rồi nhé, là vào ngày 3 tháng 3 hàng năm.
Ngày của các bé trai ở Nhật vốn được tổ chức vào ngày 5 tháng 5 Âm lịch giống như Tết Đoan Ngọ của Việt Nam vậy. Tên gọi ban đầu của ngày này là Tango no sekku (端午の節句), theo tiếng Hán cũng có nghĩa là Đoan Ngọ, đánh dấu sự khởi đầu của một mùa hè, mùa mưa mới. Sau này, khi người Nhật chuyển sang dùng Dương lịch, ngày này cũng được chuyển sang tổ chức vào ngày 5/5 Dương lịch hàng năm. Sau đó, ngày này được gọi là Ngày thiếu nhi để tránh sự phân biệt giới tính, và là một trong những ngày quốc lễ ở Nhật.
Hình tượng tiêu biểu cho Ngày của các bé trai này là lá cờ hình cá chép, được gọi là Koi-nobori trong tiếng Nhật. “Koi” có nghĩa là cá chép, “nobori” có nghĩa là cây sào bằng tre, trên đỉnh có gắn vòng sắt đan cùng nhiều sợi vải dài. Vì vậy Koi-nobori có nghĩa là cây sào có gắn lá cờ đuôi nheo hình cá chép. Hình ảnh cá chép này vốn bắt nguồn từ truyền thuyết cá chép vượt vũ môn hóa rồng của Trung Hoa. Ở Nhật, bắt đầu từ thời Edo, đến ngày 5 tháng 5 (lúc bấy giờ vẫn còn sử dụng Âm lịch), các gia đình sẽ treo cây sào có gắn lá cờ đuôi nheo cá chép này trước sân nhà mình để cầu cho con trai của mình sẽ luôn cố gắng vươn lên, mạnh mẽ và ngày càng thành công trong cuộc sống, tựa như hình ảnh cá chép mạnh mẽ vượt vũ môn để hóa rồng vậy.
Một cây sào như vậy thường bao gồm: thỉ xa (矢車, vòng sắt trên đỉnh), các dây vải dài mỏng (吹き流し), một con cá chép màu đen (magoi, 真鯉), một con cá chép màu đỏ (higoi, 緋鯉), và một con cá chép màu xanh dương (sigoi, 子鯉). Ngoài ra, ở nhiều nơi người ta còn treo cả cá chép màu cam và nhiều màu sặc sỡ khác. Có gia đình còn treo số cờ cá chép theo đúng số thành viên trong gia đình mình nữa
Trong ngày này, ngoài lá cờ cá chép treo trước sân nhà, hoặc trước ban công nhà, theo phong tục, người ta còn trưng bày búp bê võ sĩ (musha-ningyo, 武者人形) hoặc là bộ áo giáp võ sĩ trong nhà nữa.
Ngày xưa, vào ngày Đoan ngọ, người ta thường cắm sào, lập hàng rào quanh nhà để cầu xin thần linh bảo vệ khỏi quỷ dữ, và những điềm gỡ. Sau đó, phong tục này dần dần chuyển thành việc trang trí trong nhà bằng búp bê võ sĩ mặc áp giáp (gọi là yoroi) và đội mũ sắt (gọi là kabuto). Tất nhiên, người dân thường thì không thể có vũ khí hay áo giáp thật được, nên người ta phải làm những hình nhân võ sĩ bằng giấy. Phong tục trang trí búp bê tháng 5 được cho là bắt đầu từ đó.
Búp bê võ sĩ cũng có nhiều phong cách khác nhau. Tất nhiên tất cả đều là búp bê nam nhé :) Nhưng vì ngày xưa, con trai cũng để tóc dài nên có nhiều búp bê nhìn hơi giống con gái một chút
Áo giáp, mũ sắt vốn được dùng để bảo vệ tính mạng của các võ sĩ trong chiến tranh. Vì vậy, việc trưng bày những đồ vật này trong nhà là để cầu mong cho con trai mình được khỏe mạnh. Áo giáp và mũ sắt cũng có nhiều kiểu khác nhau. Áo giáp thì thay đổi theo thời gian do sự phát triển của vũ khí chiến đấu. Còn mũ sắt lại mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Chẳng hạn như mũ sắt có hình trăng lưỡi liềm trên đầu là biểu hiện cho sự bất tử, hình con chuồn chuồn biểu hiện cho chiến thắng, hình con bọ ngựa biểu hiện cho khả năng tiên đoán được tương lai, hình chữ Ái biểu hiện cho thần chiến tranh… Trong các biểu tượng được gắn trên mũ sắt thì phổ biến nhất phải kể đến biểu tượng Kuwagata (hình chiếc mai/thuổng, một dụng cụ làm nông). Biểu tượng này thể hiện sự kính trọng đối với tổ tiên.
Loại quạt này xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ thứ 5, Ban đầu, chỉ có các gia đình quý tộc hay hoàng gia mới sử dụng những chiếc quạt có dáng vẻ thanh mảnh tao nhã này. Thời kỳ này uchiwa có hình vuông. Họa tiết trang trí ngày đó thường là vẽ những mẫu đồ vật được sử dụng trong các nghi thức truyền thống. Người ta sử dụng uchiwa để biểu diễn trong tiệc trà, các vở kịch Noh hay các nghi lễ trang trọng khác.
Từ thế kỷ 17 nó mới có hình tròn như ngày nay. Cũng kể từ đó thì uchiwa được sử dụng phổ biến trong cuộc sốn đời thường như nhảy múa trong lễ hội, quạt mát...
Lý do mà Uchiwa được xếp vào danh sách các biểu tượng mùa hè là bởi vì công dụng “tạo gió” biến nó trở thành một vật dụng được sử dụng nhiều nhất trong cái mùa oi bức này. Ngoài ra cũng còn vì nó gắn bó với các điệu nhảy trong lễ hội mùa hè Bon Odori (Lễ Vu Lan của người Nhật được tổ chức vào rằm tháng 7 hàng năm). Hình ảnh những cô gái mặc yukata có màu sắc sặc sỡ cầm chiếc quạt Uchiwa đã trở thành một hình ảnh thân thương gắn bó với mỗi mùa hè của người Nhật.
Điều thú vị của chiếc quạt Uchiwa là nó là một sản phẩm được làm bằng tay từ A-Z, bao gồm thân làm từ tre và đầu quạt được làm từ vải hoặc giấy có trang trí. Phần nan quạt được làm từ loại tre vót rất mảnh và có tính đàn hồi chứ không dễ gãy như một số loại quạt giấy mà chúng ta hay sử dụng.
Người ta sử dụng giấy washi (một loại giấy truyền thống có hoa văn rất đẹp) để tạo nên phần đầu quạt song phổ biến hơn cả là dùng loại vải hoa (vải cotton thường dùng để may các bộ yukata) nên hoa văn trên quạt cũng rất phong phú. Các mẫu vải hoa dùng để tạo ra quạt uchiwa thường có hoạt tiết hình chuồn chuồn, chuông gió, bông lúa, cỏ lau, hoa bìm bìm…Chúng đều là những hình ảnh thân quen của mùa hạ không chỉ của Nhật Bản mà còn đối với chúng ta nữa phải không bạn?
Có 3 vùng nổi danh với kỹ thuật làm quạt uchiwa, đó là tại cố đô Kyoto, thành phố Tateyama của tỉnh Chiba và thành phố Marugame của tỉnh Kagawa (ở Marugame còn có cả bảo tàng quạt Uchiwa nữa nhé). Những chiếc quạt sản xuất từ các vùng này luôn có vẻ độc đáo hơn cả, có lẽ bởi phong cách trang trí trên chiếc quạt.
Ngành sản xuất quạt uchiwa từng là một trong những ngành thủ công phát triển cực thịnh tại Nhật Bản, đặc biệt là vào khoảng thể kỷ 17 – 19. Ngày nay, phần lớn xưởng sản xuất thường nhập các thân quạt bằng nhựa có xuất nguồn từ Trung Quốc. Tại Việt Nam, chúng ta cũng thường bắt gặp loại quạt uchiwa được sản xuất theo kiểu này. Và càng ngày, khi mà cuộc sống hiện đại cứ cuốn người ta đi nhanh hơn khiến Nhật Bản cũng như nhiều quốc gia khác bao gồm cả Việt Nam đều phải đối mặt với việc mai một dần những sản phẩm truyền thống mang đầy tính văn hóa của mình.
Uchiwa không chỉ có vai trò của một biểu tượng mùa hè mà đó còn là một biểu tượng kết nối giữa quá khứ và hiện tại cũng như để gắn kết các thế hệ khi họ cùng hòa mình trong điệu nhảy rộn rã của lễ hội mùa hè.
Trong những ngày giữa tháng 6 này, tại Tokyo đang diễn ra lễ hội Sanno, một trong ba lễ hội lớn nhất Tokyo. Có từ thế kỷ XVII, Sanno Matsuri là lễ hội của thần đạo Shinto để tưởng nhớ công lao của vị thần bảo hộ thành phố.
Lễ hội Sanno được tổ chức tại ngôi đền linh thiêng Hie Jinja ở Chiyoda-ku, Tokyo. Đền thờ này có một lịch sử lâu đời, theo ghi chép ngôi đền có niên đại từ năm 1478, nó được xây dựng làm nơi để lưu trữ những tài sản có giá trị lớn trong thời gian xây dựng lâu đài Edo (nay là Tokyo).
Sức thu hút chính của lễ hội là jinkosai, đám rước với 500 người trong trang phục truyền thống, 3 mikoshi (đền thờ di động) chở linh hồn các vị Shinto diễu hành gần 20 cây số trong suốt 9 tiếng đồng hồ trong ngày lễ chính, ngày 15 tháng 6. Đám rước rời đền Hie, nơi thờ thần đạo Shinto và Ōyamakui-no-kami - vị “thành hoàng làng” của Tokyo để diễu hành khắp quận Chiyoda của Tokyo, sau đó dừng tại cung điện hoàng gia Tokyo vào đúng giữa trưa để các chủ lễ vào hoàng cung cầu nguyện cho hoàng đế và hoàng gia. Đây là niềm vinh dự lớn cho các chủ lễ và là truyền thống có từ thời kỳ Edo (1603-1867) và được giữ cho đến ngày nay.
Trong thời gian diễn ra lễ hội, tại đây còn tổ chức các hoạt động văn hoá như trà đạo, nghệ thuật diễn xướng truyền thống, nghệ thuật cắm hoa Ikebana… để giới thiệu văn hoá truyền thống Nhật Bản.
Được tổ chức vào: June 9th-16th
Địa điẻm: Hie-jinja Shrine
City: Nagata-cho, Chiyoda-ku, Tokyo
Những điều “cực lạ” của Nhật bản trong mắt du khách nước ngoài!
1. Ở Nhật bản, cá và thịt rẻ nhưng rau quả thì cực kỳ đắt đỏ – cũng dễ hiểu. Một quả táo giá khoảng 2$, nải chuối nhỏ – 5$, và đặc biệt đắt nhất là dưa lê, lên đến $200.
2. Karoshi là hội chứng tự tử vì làm việc quá sức. Trung bình mỗi năm có 10 nghìn người tự từ với triệu chứng này.
3. Nhật – quốc gia cuối cùng còn giữ thể chế Quân chủ lập hiến.
Triểu đại của Nhật bản chưa bao giờ bị gián đoạn. Tướng có thể thay đổi, nhưng vua chỉ có một dòng dõi mà thôi. Đương kim Akihito là hậu duệ của hoàng để đầu tiên Jimmu từ 711 trước CN.
4. Người Nhật rất thích nói về ăn uống trong bữa ăn, họ bình luận về món ăn ngon như thế nào. Trong một bữa ăn, nếu không nói được dăm ba lần “oishii” (ngon) thì bị xem là bất lịch sự.
5. Ở Nhật không có lao động nhập cư, bởi lý do đơn giản: theo luật của Nhật, mức lương tối thiểu mà công ty Nhật phải trả cho người nước ngoài phải cao hơn mức lương trung bình của lao động Nhật. Một giải pháp quá thông minh. Đất nước vẫn rộng mở đón người nước ngoài, nhưng thường thì chỉ những chuyên gia cao cấp được mời, còn lao động phổ thông thì gần như khôn có.
6. Núi Phú Sĩ, biểu tượng của nước Nhật là sở hữu tư nhân. Fujisan Hongu Sengentaisha, một ngôi đền Shinto gốc Shizuoka, đã được cấp đất năm 1609. Đền đạt được quyền nhận tiền xu ném vào miệng núi lửa như nguồn cung cấp tiền tệ trong năm 1609. Edo Mạc phủ tặng cho đền thờ vào năm 1779. Chính phủ quốc gia kiện tụng về quyền sở hữu đất, nhưng Tòa án Tối cao tuyên bố công nhận đất làm căn cứ của ngôi đền vào năm 1974.
7. Ngôn ngữ Nhật bản chia thành các mức lịch sự: chuyện trò, tôn trọng, lịch sự & rất lịch sự. Hầu hết phụ nữ nói chuyện với ngôn ngữ TÔN TRỌNG, nam giới nói chuyện với ngôn ngữ CHUYỆN TRÒ.
7% nam giới Nhật là Hikikomori – thuật ngữ để chỉ những người từ chối xã hội, thường tìm kiếm cực đoan, cô lập và tách biệt. Họ thường sống xa lánh người thân.
8. Nhật Bản – đất nước chỉ có 1 dân tộc, dân tộc Nhật chiếm 98,4% dân số
9. Người Nhật ăn cá heo. Họ nấu súp, nướng và thậm chí ăn sống. Thịt cá heo ngon đặc trưng & không giống vị cá.
10. Trẻ em 6 tuổi có thể sử dụng phương tiện công cộng ở Tokyo, nơi được xem là an toàn nhất thế giới.
Búp bê mọc tóc, loài chó mang mặt người... là những truyền thuyết khiến bạn "tim đập, chân run"...
Nhật Bản là một đất nước có nhiều điều hấp dẫn cùng truyền thống đặc biệt. Nhưng đây cũng là đất nước có nhiều câu chuyện ma quái với độ chân thực cao hơn bình thường.
1. Búp bê mọc tóc Okiku
Thật không ngoa khi nói rằng, những bộ phim kinh dị về búp bê luôn thuộc vào hàng đáng sợ nhất. Thậm chí ngay bản thân búp bê cũng đã có thể đem lại những nỗi sợ vô hình. Tại Nhật Bản cũng không ngoại lệ, có nhiều truyền thuyết về ma búp bê, trong đó nổi bật nhất là câu chuyện về búp bê… mọc tóc - búp bê Okiku.
Búp bê Okiku được đặt tên theo người chủ sở hữu cuối cùng. Truyền thuyết kể rằng, một cậu bé đã mua tặng con búp bê này cho cô em gái của mình, cô bé Okiku khi mới 2 tuổi. Cô bé rất thích coi búp bê giống như một người bạn, luôn gắn bó với nó. Tuy nhiên thảm kịch đã xảy ra, cô bé mất vì bạo bệnh.
Gia đình cô bé giữ lại con búp bê, nhưng một thời gian sau họ nhận thấy mái tóc của nó thực sự… mọc dài ra. Một thầy phù thủy nhận định linh hồn cô bé không thể siêu thoát và đã nhập vào thứ gắn bó nhất với mình.
Năm 1938, gia đình quyết định giao búp bê cho nhà chùa. Búp bê Okiku hiện vẫn được trưng bày tại chùa Mannenji thuộc Iwamizawa, Hokkaido. Con búp bê khá lớn, dài khoảng 40cm, mặc kimono truyền thống của Nhật Bản và mái tóc... vẫn đang mọc tiếp.
Khi mới xuất hiện tại chùa Mannenj, búp bê Okiku có bộ tóc trụi lủi, nhưng qua nhiều năm mái tóc đã dài ra đáng kể - khoảng 25cm và vẫn đang phát triển dù được tỉa tót hàng năm.
2. Truyền thuyết công viên Inokashira
So với câu chuyện trên thì truyền thuyết công viên Inokashira thuộc dạng “nhẹ nhàng” hơn rất nhiều, nhưng có lẽ đối với những đôi lứa yêu nhau thì không.
Công viên Inokashira nằm tại thủ đô Tokyo của Nhật Bản. Nơi đây có một cái hồ rất đẹp, quang cảnh phù hợp, thậm chí có cả dịch vụ “bơi thuyền đạp vịt”. Tuy nhiên, dù biết rằng đi bơi thuyền trên hồ rất lãng mạn, nhưng có một truyền thuyết kể lại rằng, những cặp đôi bơi thuyền tại đây mối quan hệ sẽ xấu đi nhanh chóng và mãi mãi không thể đến được với nhau.
Truyền thuyết này gắn với thần của hồ Benzaiten - vị thần của nước, sắc đẹp và ngôn ngữ được thờ bên cạnh hồ. Theo truyền thuyết, đây là một vị thần mang đầy lòng đố kỵ và ghen ghét nên thần Benzaiten đã nguyền rủa tất cả cặp đôi dám cả gan thể hiện tình cảm trên hồ của bà.
Truyền thuyết dù sao cũng chỉ là truyền thuyết, nhưng các cặp đôi cũng có thể cân nhắc, vì “tránh voi chẳng xấu mặt nào” và “có kiêng, có lành” mà.
3. Truyền thuyết về loài chó mang khuôn mặt giống người
Không giống với hầu hết các sinh vật đáng sợ ở Nhật Bản, con chó mang khuôn mặt giống người có tên là Jinmenken, được coi là vô hại với con người.
Một truyền thuyết xa xưa đã đề cập đến câu chuyện về con chó kỳ lạ này. Nếu bạn vô tình bắt gặp chúng trên đường, nếu đi qua và coi chúng "không tồn tại", thì nó sẽ không làm gì bạn. Nếu bạn chọc ghẹo hay giả như vui đùa với chúng, Jinmenken sẽ sẵn sàng "hỏi thăm" bạn.
Theo truyền thuyết, người ta còn phát hiện ra rất nhiều "sinh vật lạ" xung quanh những chú chó này, chúng chạy dọc đường cao tốc và quanh quẩn khắp chỗ khắp nơi. Nhiều tin đồn cho rằng, rất có thể linh hồn của các nạn nhân bị chết bởi xe hơi đã bị mắc kẹt lại ở "trú" nhờ vào sinh vật này, khiến chúng có khuôn mặt kỳ dị như vậy.
Tuy nhiên có nhiều giả thuyết cho rằng, Jinmenken thực ra chỉ là một loài khỉ ở Nhật Bản hay "đi lang thang" trên đường cao tốc, chúng có khuôn mặt giống người nên dễ khiến mọi người nhầm lẫn mà thôi.
Cùng với Gion Matsuri và Jidai Matsuri, Aoi Matsuri (hay còn gọi là Kamo Matsuri) là 3 lễ hội chính được tổ chức ở Kyoto. Trong cuộc diễu hành của lễ hội, phụ nữ mặc quần áo choàng trong nghi lễ tòa án và những người đàn ông trong trang phục truyền thống đi trên toa xe bò được trang trí với hoa tử đằng - (thường được sử dụng bởi các quý tộc thời Heian). Một số người diễu hành mang Oyoyo Mikoshi (đền thờ di động) với Saio-Dai, người đóng vai trò duy trì độ tinh khiết của nghi lễ và đại diện cho Hoàng đế tại lễ hội (bây giờ, vai trò của Saio-Dai được chơi bởi một người phụ nữ chưa lập gia đình ở Kyoto) . Có 36 con ngựa, 4 con bò, 2 toa xe bò, 1 mikoshi và hơn 500 người hình thành trong cuộc rước, điều đó làm Aoi matsuri trở thành một trong những lễ hội phức tạp nhất và đầy màu sắc tại Nhật Bản. Lễ hội đã mang được sự sang trọng của thời kỳ Heian cho đến ngày nay, cuộc diễu hành bắt đầu từ Hoàng cung Kyoto (Gosho), và tiếp tục trên các con đường đến đền thờ Shimogamo và Kamigamo.
Aoi Matsuri (葵祭) – Aoi có nghĩa là “Thục Quỳ”, Matsuri có nghĩa là “Lễ hội”, là một trong những sự kiện lớn nhất trong lịch trình lễ hội ở Kyoto, cố đô của Nhật Bản. Lễ hội được tổ chức tại Đền Kamigamo vào ngày 15/5 hàng năm. Đây là một trong những lễ hội trọng thể và lộng lẫy nhất cả nước, nó đã được duy trì và gìn giữ cẩn thận từ thế kỷ thứ VII khi lần đầu tiên được tổ chức. Cho đến nay, Aoi Matsuri đã trở thành lễ hội lâu đời nhất vẫn còn được duy trì.
Lễ hội được biết tới dưới cái tên như hiện nay từ thời Edo, vì những người diễu hành và kiệu rước được trang trí bằng những chiếc lá aoi (thục quỳ) đặc biệt.
Lá thục quỳ gắn trên đầu những người tham gia diễu hành
Không chỉ lá, hoa thục quỳ cũng được trang trí thành từng dây dài trên những chiếc xe bò kéo, khiến chúng trở nên thật lộng lẫy.
Và những dây hoa thục quỳ màu tím dịu dàng nhưng không kém phần lộng lẫy
Đoàn diễu hành của lễ hội với sự tham gia của khoảng 600 người mặc những bộ trang phục hoàng tộc thời xưa rất lộng lẫy và tao nhã. Họ sẽ rời Cấm Thành và đi bộ đến một số đền thờ cách đó hàng kilomet. Khán giả sẽ xếp hàng hai bên đường để chiêm ngưỡng lễ diễu hành hoành tráng này.
Để ngăn cản sự hoành hành của muỗi mà chỉ dùng các loại màn gió hay quạt là không đủ nên ở Nhật Bản, có một dụng cụ thân thuộc để người ta chống muỗi chính là…nhang muỗi.
Tiếng Nhật gọi những đồ vật ấy bằng cái tên “katori buta", có nghĩa là bình nhang trừ muỗi hình chú heo. Trong đó, "katori senkou" là để chỉ các thanh nhang.
Vào thế kỷ 19, sau một thương vụ với các nhà buôn Hoa Kỳ, một thương gia người Nhật đã mang về Nhật Bản một chủng loại hoa cúc mà trước đó ông chưng từng trông thấy tại Nhật Bản. Sau đó, ông ta phát hiện ra khi đốt những bông cúc phơi khô này có thể đuổi được lũ muỗi quấy rầy giấc ngủ của mình mỗi đêm. Kể từ đó, phương pháp dùng hương thơm để trừ muỗi được sử dụng phổ biến tại nước Nhật. Nó phổ biến đến nỗi, cụm từ “katori-senkou” còn được sử dụng trong các bài thơ Haiku (một thể thơ ngắn truyền thống của Nhật Bản) với ý nghĩa là “mùa hè”.
Một bộ nhang muỗi phải bao gồm thanh nhang và bình đựng. Ban đầu thanh nhang có hình trụ mảnh như cây hương nhưng về sau, để kéo dài thời gian sử dụng thì hầu hết các loại nhang muỗi đều có dạng vòng xoắn. Chất liệu cơ bản để tạo ra nhang trừ muỗi thường là từ thực vật (ví dụ như hoa cúc sấy khô, các hương liệu từ thiên nhiên khác…) vì ngoài tính năng trừ muỗi thì hương thơm của những vật liệu này còn có tác dụng tốt đối với sức khỏe của người sử dụng thay vì một số chất hóa học thường kèm thêm tác dụng phụ như các loại nhang muỗi được chế biến tại Trung Quốc, Việt Nam…
Riêng bình đựng nhang muỗi thường được làm bằng gốm sứ và có nhiều hình dạng (ở nước ta thì lại phổ biến với chất liệu kim loại và có thể gắn với nhang muỗi dạng vòng xoắn trông khá đơn điệu). Loại hình dáng mà chúng ta hay gặp nhất trong các bộ truyện tranh và hoạt hình là bình nhang trừ muỗi hình con heo trông rất ngộ nghĩnh. Người Nhật còn gọi các bình nhang có hình dạng này là “kayari buta” (buta ở đây có nghĩa là con heo)
Hiện nay, khi mà đời sống ngày càng được nâng cao khiến người ta thay dần thói quen sử dụng bằng các loại điều hòa, cửa chống muỗi...hiện đại hơn thì những vật dụng quen thuộc này cũng ngày một vắng bóng. Đó là lý do mà bình nhang trừ muỗi lại trở thành một hình ảnh thân thương và nhắc nhớ đến những ký ức tuổi thơ của mỗi một người dân Nhật Bản. Ký ức ấy bắt đầu khi màn đêm mùa hạ nhẹ buông mang theo những thanh âm rộn rã của đồng ruộng…và cả tiếng vo ve của lũ muỗi đáng ghét nữa chứ! Vậy là sẽ xuất hiện những bình nhang bé heo như những anh hùng diệt muỗi bằng mùi hương mang đậm hơi thở thiên nhiên trong lành của mùa hạ.
Nhật Bản là nước nghèo về tài nguyên khoáng sản nên không thể làm giàu bằng tài nguyên thiên nhiên hay xuất khẩu nông sản như các nước khác. Chính vì ý thức được điều đó nên họ nhận thấy rằng chỉ có lao động chăm chỉ và nghiên cứu mới tạo ra của cải, làm giàu cho bản thân và cho đất nước. Với người Nhật, lao động là nguồn tài sản quý giá nhất, dồi dào nhất.
Người Nhật đã từng không… chăm chỉ
Thời kỳ đầu của công cuộc hiện đại hóa đất nước, người Nhật đã không chăm chỉ như bây giờ. Không những vậy, họ còn có vẻ rất thích được nghỉ ngơi nhiều hơn là làm việc.
Hằng tháng, viên chức thời đại Edo lấy ngày 1, 15, 28 là ngày nghỉ. Ngoài ra, còn có những ngày nghỉ do công ty hoặc các liên đoàn quy định.
Bước vào thời Minh Trị, thời gian làm việc của công nhân, thương nhân là 8 tiếng/ngày (từ 8 giờ – 16 giờ) và được nghỉ giải lao vào lúc 10 giờ , 12 giờ, 15 giờ mỗi ngày. Chế độ “Ngày nghỉ 1, 6″ ( hằng tháng nghỉ các ngày 1, 6, 11, 16, 21, 26) cũng được người dân hưởng ứng và lấy làm ngày nghỉ truyền thống của mình.
* Làm việc cần mẫn vì thời gian là vàng bạc
Những ngày nghỉ của Nhật chỉ giảm khi chính sách “Phú quốc cường binh” và “Phục hồi tăng năng lực sản xuất” của thời Minh Trị ra đời. Đó là kết quả của những kỷ luật mang tính quân sự và lao động trong các nhà máy. Khi bước vào thời đại Showa, truyền thống “Ngày nghỉ 1, 6″ đã không còn được áp dụng, thay vào đó những khẩu hiệu “Thời gian của quân đội và chiến tranh”, “Nhịp sống công nghiệp”, “Thời gian nơi công sở” đã chi phối mạnh mẽ tới đời sống của người dân.
“Chăm chỉ là đức tính của người Nhật” chỉ bắt đầu khi Nhật Bản bước vào thời kỳ tăng trưởng kinh tế cao sau chiến tranh thế giới thứ 2. Sở dĩ có được tốc độ phát triển như vậy là do người Nhật đã làm việc với quyết tâm theo kịp các nước Âu-Mỹ.
* Ý thức tập thể, tôn trọng thứ bậc và địa vị
Tập thể đóng một vai trò quan trọng đối với người Nhật. Trong công việc, người Nhật thường gạt cái tôi lại để đề cao cái chung, tìm sự hòa hợp giữa mình và những người xung quanh. Các tập thể có thể cạnh tranh với nhau rất gay gắt song sẵn sàng bắt tay với nhau để có thể đạt được mục đích chung. Vì vậy, điều tối kỵ là làm mất danh dự của tập thể.
Ý thức tôn trọng thứ bậc có lẽ đã có từ lâu trong đời sống của người Nhật. Ngày nay, ý thức tôn trọng thứ bậc vẫn được thể hiện trong công việc và đời sống hằng ngày. Chính từ những yếu tố này mà tinh thần đoàn kết và lòng trung thành của người Nhật được phát huy, và nhờ đó mà việc thực hiện mục tiêu của tập thể tương đối dễ dàng.
*Gắn bó dài lâu với công việc mình chọn lựa
Chính sách tuyển dụng của Nhật Bản như tăng lương theo thâm niên hay tuyển dụng suốt đời là một trong những yếu tố giúp cho nền kinh tế nước này tăng trưởng cao sau chiến tranh. Theo đó, càng làm việc lâu năm cho một công ty thì lương càng cao và thường họ làm việc tại một công ty cho tới lúc nghỉ hưu. Yếu tố này khiến cho người lao động yên tâm làm việc và có được lòng trung thành đối với công ty họ lựa chọn.
Hiện nay, ý thức cống hiến suốt đời cho công ty trong giới trẻ không còn như xưa, tuy nhiên, so với những nước có nền kinh tế phát triển thì tỷ lệ người lao động nghỉ việc sau 3 – 5 năm ở Nhật Bản còn rất thấp.
Mặc dù có sự khác biệt giữa các cá nhân nhưng người Nhật luôn yêu mến công việc của mình, họ thường trung thành với lựa chọn và có ý thức gắn bó lâu dài, cống hiến cho công ty cũng như cho cộng đồng. Cũng có trường hợp công việc không được như mong muốn nhưng không vì thế mà nghỉ việc, họ sẽ tìm ra những mặt chưa hài lòng, chưa được để rồi tìm biện pháp giải quyết và cải thiện nó. Với tinh thần đó, càng ngày họ càng tiếp thu, trau dồi được trình độ kỹ thuật và cung cấp sản phẩm tốt nhất cho thế giới.
Mỗi năm, ở Nhật có nhiều lễ hội khỏa thân được tổ chức nhưng Saidaiji Hadaka là độc đáo nhất.
Được mệnh danh là “lễ hội khỏa thân” nhưng trong lễ hội Saidaiji Hadaka, người tham gia không khỏa thân 100% mà vẫn mặc lên mình một chiếc khố trắng bé xíu chỉ đủ che phần nhạy cảm. Đây là một trong những lễ hội kỳ lạ nhất xứ sở hoa anh đào, thu hút hàng nghìn du khách tới tỉnh Okayama mỗi năm.
Lễ hội Saidaiji Hadaka được tổ chức thường niên vào ngày thứ bảy cuối cùng của tháng 2, tức là cuối tuần vừa qua, trong cái lạnh chưa tan của tiết giao mùa. Mặc dù vậy, nhiệt dình của những người tham gia không hề giảm.
Được biết, nghi lễ độc đáo này có truyền thống rất lâu đời, từ 500 năm trước, và khởi nguồn ở ngôi đền Saidaiji. Ban đầu, những người tham gia tụ tập trước cổng đền, tranh nhau bắt một tấm bùa bằng giấy do vị đạo sĩ ném ra. Tuy nhiên, do chất liệu giấy dễ rách, hỏng, ngày nay, tấm bùa này được thay bằng một cây gậy bằng gỗ dài 20 cm gọi là shingi.
Lễ hội chính thường bắt đầu ngay sau lễ hội dành cho các cậu học sinh tiểu học. Cũng tương tự lễ chính, các cậu bé phải giành nhau một vật, nhưng đó không phải shingi mà là một chiếc bánh gạo.
Vào 3 giờ 30 chiều, lễ hội chính mới bắt đầu. Những người đàn ông chỉ mặc fundoshi, loại khố bằng vải màu trắng, trong khi đó phụ nữ không mặc gì, quấn quanh mình một tấm vải trắng, biểu diễn trống taiko và ngâm mình dưới nước.
Từ 7 giờ tới 7 giờ 30, người dân háo hức đón chờ màn pháo hoa. Và khi pháo hoa dần hết, những người đàn ông kéo nhau tới con suối thiêng gần đền thờ Saidaiji. Họ vừa diễu hành quanh đền, vừa hô to: “Wasshoi! Wasshoi!”. Thông thường, mỗi năm, có khoảng 9.000 người tham gia lễ hội này. Không khí rất tưng bừng và sôi động.
Khi màn đêm bao phủ khắp nơi, cũng là lúc mọi ngọn đèn trong thành phố đều bị tắt, trừ đèn ở đền thờ Saidaiji. Shingi được ném ra và 9.000 người đàn ông lao vào tranh cướp thanh gỗ được họ coi là thiêng liêng này. Khung cảnh vô cùng náo nhiệt, chẳng khác nào một trận bóng bầu dục mà các vận động viên đều ăn mặc rất “mát mẻ”. Ai giữ được shingi lâu nhất và nhét được nó vào trong một chiếc hộp gọi là masu sẽ gặp may mắn cả năm.
Để ngắm được toàn cảnh lễ hội, du khách phải mua chỗ ở những vị trí cao và giá thành cũng không hề rẻ. Tuy nhiên, những gì họ được chiêm ngưỡng cũng “đáng đồng tiền, bát gạo”. Cuối cuộc thi thường là màn ném các cành liễu cho đám đông. Có 100 cành liễu được ném ra và ai bắt được cũng sẽ gặp may mắn trong năm.
Đây là trang Blog trao đổi, cập nhật liên tục thông tin Việt Nam và Nhật Bản hàng ngày. Rất mong sẽ cung cấp nhiều thông tin hơn nữa đến các bạn có nhu cầu tìm hiểu về Nhật Bản, đồng thời cũng mong nhận được nhiều bài viết và những chia sẽ của các bạn để trang Bolg ngày càng phong phú hơn.